21/7/14

Trước tượng đài Brodsky

Thơ: Hoàng Rô
Tranh: Một Danna


Nơi đây, Saint Petersburg,
những ô cửa chiếu hình kí tự
những thiên thần rủ cánh suy tư
những nhà thơ nằm co tròn trên bãi cỏ
những triết gia mò chai lọ trong thùng rác công viên.
Thành phố điên.
.
Nơi đây, trần gian,
từng sống một nhà thơ phế thải,
ghép những cuộc đời bằng giấy vụn và mảnh vỡ lọ chai,
viết sấm tiên tri ngoằn ngoèo lên tường rêu đổ nát.
Tháng năm qua, còn đây, nơi xó xỉnh, một tượng đài
rác rưởi - tượng đài Brodsky.
.
Nơi đây, địa đàng
bắt đầu từ bùn lầy Baltic mềm mại
đến những đường lối dẫn dại cặp mắt thế nhân,
ngước lên thấy thánh thần ngạo nghễ
khoe tấm áo đá xám xỉn xù xì,
nhìn trộm nhau trên con phố hẹp,
những câu sấm truyền bị kẹp
trong tiếng còi kẹt xe.
.
Nơi đây, phố xá
tiếng ồn cãi vã
tua tủa nước bọt phun vòi
hãnh diện cong lên như dấu hỏi
của người trộm xe,
của kẻ say đêm,
của tên hiền triết.
Dấu hỏi hình lưỡi câu mắc miệng cá
mắc cả miệng người
mắc bầu trời
nghiêng về bên trái.
.
Nơi đây, góc trời
có những con chuột dạo chơi
ngước nhìn tượng đài đế chế
tưởng là con người-giấy
nên lấy răng gặm những kí tự nham nhở.
Đuôi thập thò trong bức tường ngôn ngữ,
mắt run run khi ngước nhìn lịch sử
thấy nguyệt quế vinh quang che khuất đỉnh đầu,
rón rén bò cho đến giới hạn câu, thấy
đế chế huy hoàng béo ngậy.
Còn tượng đài anh vẫn thầm lặng đứng đây
chuột không thèm ngó tới.
.
Nơi đây, những công trình thế kỉ.
Triệu viên gạch ngôn từ rỉ máu son
in vết roi đòn trên môi nhân loại.
Bao nhiêu năm trôi qua vẫn vậy,
vẫn môi mọng vấy máu son. Và còn
thêm những bộ ngực tròn che lấp mái vòm
nhà thờ dát vàng lóng lánh, cũng như
những cặp mông to làm mệt lử
cái ghế ngồi ọp ẹp cũ kĩ.
Anh thấy chưa, Brodsky,
những thế kỉ đã chết,
những vần thơ cũng hết, chỉ còn
một sự câm lặng con con.
.
Thơ anh, câm lặng tôi.
Ngựa câm kéo đời, kéo đớn đau.
Đi về đâu dưới ách ngôn từ tai hại?
Đi tìm ai khi cuộc sống gông đeo?
Như khung cửa rèm treo
mặt trăng lập lòe con đom đóm,
sao đêm nhen nhóm tàn thuốc rơi,
gió phun khói vàng răng cười. Vỡ mộng
đời điên dại lung mông.
Đớn đau nhưng vẫn vờ lặng câm
dù sắp rơi rụng tay chân
dù đau buốt tinh thần. Tặng
thơ câm lặng.
.
Thơ tôi, tâm hồn anh.
Hồn cô đơn bay lượn trời xanh
mang hoài bão từ trong xiềng xích.
Anh vẫn bay khi mang trên mình những dị nghịch,
những đam mê giữa tội lỗi bụi trần.
Trên trời cao anh thấy những người dân
đang mải mê như kiến bò theo lối ngả.
Anh thấy sự bao la của biển cả,
thấy ngục tối tâm hồn và địa phủ trần gian.
Anh thấy những bóng bẩy của thiên đàng,
nơi hoang vu cả nhân gian chối bỏ.
Anh thấy cuộc đời nổi trôi hòn đảo nhỏ
trong đại dương sóng vỗ trập trùng.
Mảnh đất dưới kia không bao giờ thay đổi
phép nhiệm mầu có chăng trong giấc mộng mà thôi.
Chúa trời chỉ là thứ ánh sáng đơn côi,
trên ô cửa sương đêm mờ thức dậy.
Cánh đồng hoang không ai cày cấy,
không tháng năm,
không thế kỉ,
chỉ tường cây vây bốn phía,
chỉ giọt mưa khóc quanh nấm cỏ xanh rì.
Anh vẫn nằm đó, mặc thời gian đi,
mặc thế nhân vẫn quay cuồng như kiến thợ,
vẫn niềm tin và đau khổ,
vẫn ngập chìm trong biển ngôn ngữ mờ ảo mênh mông.
.
Đây là anh, bức tượng chết.
Chết là gì? anh giải thích cho tôi đi!
Chết là chất lỏng nhụa nhầy
trong sình lầy hám hôi bao tử.
Chết là đầu ngọn bút mực vây
vật vờ quanh từng câu từng chữ.
Chết là cả một không gian ngôn ngữ
đang tuyên truyền từng phút từng giây.
Chết là chính lúc ta đang nói đây,
đang viết thơ, đang làm tình say đắm.
Chết không phải là những hố bom thăm thẳm
mà chính là những cao ốc nghiêm trang.
Chết không phải là tiếng than nghĩa địa
mà chính là tiếng chim hót véo von.
Chết chẳng là khung xương trắng ơn ởn
mịt mù khói súng dưới hào mương,
chết chỉ là cây xanh chồi mơn mởn
đôi nhân tình dưới tán hứng giọt sương.
Chết không phải là lò thiêu nướng
xác người không cần đọc điếu văn,
chết chỉ là thư viện sách ngàn năm
lưu trữ triết học dao găm và sử thi súng đạn.
Chết là những máy móc lù lù
là nhà tù không bao giờ mở cửa,
là buổi trưa tiếng tập trận vang xa,
là sự thẳng tắp của khu nhà,
là tất cả, tất cả những gì mong muốn của chúng ta.
.
Tôi lạc vào ngôn ngữ trong tên anh,
những chữ cái xây đắp bức tường thành.
.
B_R_O_D_S_K_Y
.
B – Biểu
Ngàn năm qua được ghi theo lịch BIỂU,
sự ra đời của Chúa cũng chỉ là kí hiệu
thôi. Nhưng hãy cho phép tôi
ngồi trong xó nhà thờ cầu nguyện
vì tôi thầm ước có một kí hiệu bình yên,
không đan xen mập mờ các ý nghĩa,
dù vẫn biết như vậy là dối bịa
và không tưởng. Tôi xin được cầu
phúc cho linh hồn anh dẫu chỉ một câu,
dẫu tôi không phải là người Do Thái.
.
R – Rong
Anh đã phải RONG chơi ở dưới gầm trời này,
phải bỏ quê hương đi tìm người quản ngục,
ăn bánh vụn gầm giầy và đôi lần chết hụt.
Đến miền đất xa xăm anh mới gào lên tiếng hú,
nhưng từng đó cũng đủ
để người ta cho anh một tấm vé vào
pháo đài ngôn ngữ.
Anh đúc những viên đạn ngôn từ
để bắn vào lịch sử. Để
sáng tác điên dại và hả hê.
Kỉ nguyên qua, người ta đúc tượng anh như một tên hề
nghếch mặt lên từ bãi rác.
.
O – Ói
Nhìn lại những thế kỉ đã qua tôi muốn ÓI
vì cái giọng lờm lợm giả dối
của các văn sĩ triết gia. Những nhà thơ
thì như những tên khờ,
tâng bốc nàng thơ ngôn ngữ,
sùng bái như một tiểu thư,
mà không biết thơ là một con điếm chữ.
Anh cũng vậy, cũng đã tìm con điếm đó thôi.
Tôi biết rồi, này,
họ tạc tượng anh thấp như vậy
để mọi người có thể ói vào đây.
Anh có biết, tôi cũng tìm con điếm đó đấy
để ói vào miệng nó cho đã cơn say.
.
D – Dậy
Anh ngủ nghếch mặt ở đây, biết bao giờ mới thức DẬY?
Anh nhìn gì, những đám mây?
Chúng tự do bay khắp nơi trần thế,
còn anh, một nhà thơ, thì tình hình thật tệ,
một tượng đài bị kìm hãm bởi đất, đồng, và xi măng.
Anh bị kẹp theo ngõ dài lịch sử,
bị trói bởi những kí tự, những phát ngôn.
Và xi măng rồi cũng xâm chiếm tâm hồn
anh. Chúng làm đông cứng những chữ cái
viết tên anh dưới bục tượng đài.
Anh cứ nhìn những đám mây đi
để thấy mình chết cô đơn trong lời khen hoa mĩ
và những vần thơ của anh cũng chẳng thể làm được gì
cho sự tự do.
Cái chết trong những vần thơ anh, đó
là cái chết trong sự sống ngôn ngữ hôm nay.
Xin anh cứ ngủ nghếch mặt ngắm mây!

S – Sống
Chúng ta đã SỐNG tự khi nào?
Lúc cất tiếng khóc chào
đời? (vâng, là tiếng khóc chứ không phải tiếng cười)
Ngay lúc này, chúng ta vẫn sống
với ảo tưởng mênh mông,
với cuồng ngông tự phụ
với khát dâm thú dữ
với câu chữ đạo văn
với lối hằn lịch sử
với ngạo tự lộng ngôn.
Ta đã làm chi trong cuộc sinh tồn?
Chỉ là những thói quen ngán ngẩm,
a dua, sợ hãi và ngạo nghễ trầm ngâm
tự cho mình là cao nhân bàng quan thế sự.
Anh cũng vậy, đang nghếch mắt suy tư
mặc kiến bò thùng rác tượng mình.
Người ta bảo anh mãi sống với những vần thơ
nhưng tôi biết anh đã chết khi nhân gian đọc thơ anh đó.
Đừng căng tai tin lời khen chê của họ,
vì họ cũng đang chết như anh.
Đừng nhìn lên trời xanh,
ở đó toàn là những xác khô múa rối,
ngàn năm qua không có nổi một cứu tinh,
và sẽ không bao giờ xuất hiện.
Sống là lúc này, lúc chúng ta đang chết đây,
khi hiện-sinh-diệt không mảy may tạp niệm.
.
K – Kiểu
Người ta đặt cho thơ anh KIỂU này cách nọ,
tưởng mình có những cách bình luận hay ho,
nhưng tôi biết họ đang học theo kiểu bịp bợm,
lấy chữ nghĩa nhét đầy bụng bảo là cơm.
Từ khi thơ ca nằm trong phong cách
là lúc nó chết sặc trong kiêu ngạo và ngu si.
Thơ anh sẽ chẳng có nghĩa gì
khi bị nhìn qua ống nhòm lí trí.
Có kiểu nào cho ngôn ngữ thi ca
thì đó là lộng ngôn bịp ngữ.
.
Y – Yêu
Cả nhân gian nghĩ YÊU là ánh sáng,
có mấy ai thấy nó trong bóng tối đâu. Đang
đêm ta tìm ngực trong tối đen
nhưng theo thói quen chúng ta mò công tắc điện
tìm ánh sáng biểu hiện tình yêu,
bỏ ngực căng âm thầm trong tối nghẹn.
Anh đã chỉ cho tôi thấy tình yêu màu đen
trong bóng tối nơi có thân xác khô gầy
của người vợ. Khi ấy
ta sẽ không tìm công tắc điện,
bởi chúng ta không có quyền xa lánh đêm sâu
nơi vợ yêu luôn ngóng đầu im lặng
mặc ngoài kia là bình minh ánh sáng.
Yêu không ngày tháng,
không vần thơ lãng mạn, không
mảy may ham muốn sinh tồn,
chỉ tối đen dục vọng,
chỉ mong quằn quại ôm nhau không bến bờ.
.
Trước tượng anh, nhà thơ từ bãi rác,
tôi thấy mình là một tên đồng nát
bới móc từng mảnh vụn suy tư
bẩn thỉu đem về lót ổ mái tù ngôn ngữ.
Những vần thơ dù là bất tử
hay chết yểu mỗi khi được ngâm lên
thì cũng như những con sóng ngôn từ trôi nổi
chập chờn vô định khắp nơi
không bến đợi ngữ nghĩa
hợp rồi lại chia vô thường bất định
xa cách liên tưởng rồi giằng xéo linh tinh
phi tướng phi hình biến hóa bất tận
không thấy thể chân khởi nguồn
hay mục đích mà tâm tư muốn
hướng tới theo chiều gọi của thời gian
tư tưởng mơ hồ và lan man
cho đến khi những con sóng tràn
khắp thế giới không thấy một điểm nhìn bến bờ nào
thì đó là độ không của những con sóng trào

ngôn ngữ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét