23/5/17

Mua tranh như Shchukin





Tháng Mười năm ngoái (2016), Quỹ Louis Vuiton bắt đầu mở triển lãm ở Paris mang tên “Những biểu tượng của nghệ thuật Hiện đại. Bộ sưu tập của Shchukin” (Icônes de l'Art moderne . La collection Chtchoukine), giới thiệu hơn 250 bức tranh của các danh họa đầu thế kỷ 20 được mượn từ các bảo tàng của Nga, vốn là những bức tranh trước đây thuộc sở hữu của nhà sưu tập Sergey Shchukin (Сергей Щукин). Lúc đầu, triển lãm chỉ dự định diễn ra trong khoảng 1, 2 tháng, nhưng dòng người ùn ùn đến xem không ngừng nghỉ đã khiến các nhà tổ chức phải kéo dài triển lãm đến tận cuối tháng Hai năm nay (2017). Đây là một cơ hội không thể tốt hơn đối với công chúng Pháp, nếu không có điều kiện đến Nga thì vẫn có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm tốt nhất của các danh họa Pháp đầu thế kỷ 20 ngay trên đất Pháp.

Bộ sưu tập của Shchukin hiện có 38 bức tranh của Matisse, 29 – Picasso, 16 - Gauguin, 13 - Monet, 8 - Cezanne, 5 - Degas, 4 - Van Gogh, 17 - Derain, 9 - Marquet, 7 - Rousseau. Ngoài ra còn có các tác phẩm của Renoir, Pissarro, Toulouse-Lautrec, Signac… Tất nhiên còn có cả các tác phẩm của các họa sĩ Tiên phong Nga nữa. Ước tính trị giá hiện nay của bộ sưu tập này khoảng 10 tỉ đô la. Và dẫu cho bộ sưu tập từ lâu đã thuộc về tài sản quốc gia thì người ta vẫn coi Shchukin là một trong những nhà sưu tập thành công nhất mọi thời đại. Vậy, sự đặc biệt trong cách sưu tập của Shchukin là gì để dẫn tới thành công đó? Dưới đây là một số lý giải chủ quan của tác giả bài viết.

Thứ nhất, đức tin
Là một người theo tông phái thanh liêm, khổ hạnh thuộc Chính Thống giáo, Shchukin tin rằng mua tranh là thử thách của Chúa dành cho mình, và cũng là một cách trải nghiệm đức tin. Sống vào đầu thế kỷ 20, cách mua tranh của Shchukin thể hiện rất rõ triết lý hiện sinh tôn giáo Nga lúc đó, với triết học của Berdyaev giải phóng con người khỏi ràng buộc nô lệ của lí trí để hướng tới bản thể hiện sinh trong sạch, và với văn học của Dostoevsky tin rằng “cái đẹp cứu rỗi thế giới”.
Shchukin mua tranh không dựa vào lý trí hay chỉ dẫn của các nhà phê bình, mà mua tranh dựa vào sự khải huyền từ Chúa, vào cảm giác trống rỗng tuyệt đối bên trong mình, trong sáng và mạnh mẽ. Con gái ông kể lại rằng cha mình đã từng nói: “Nếu nhìn thấy một bức tranh gây chấn động tâm hồn mình, thì hãy mua nó ngay lập tức”.
Nhà sưu tập đã mua tranh của Picasso từ khi họa sĩ còn khó khăn và chưa nổi tiếng lắm. Ông đã mua 51 bức tranh của Picasso, chủ yếu ở giai đoạn hồng, lam, và giai đoạn đầu Lập thể. Khi mua tranh của Picasso, ông tâm sự: “Tôi không xem tranh của Picasso, tôi bị thôi miên, nên tôi phải mua”.
Cũng chính vì tin tưởng vào giá trị thần thánh của hội họa nên ông chỉ có thể mua tranh của các thiên tài và sẽ thành thiên tài (vì chỉ có thiên tài thì mới có thể gần chạm vào siêu nhiên thần thánh). Shchukin không bao giờ mua tranh của các họa sĩ hạng hai hoặc các tác phẩm hạng hai của họa sĩ hạng nhất. Và thời gian đã chứng minh, các bức tranh trong bộ sưu tập của Shchukin ngày nay hầu hết đều là những kiệt tác.

Thứ hai, dũng cảm
Có lẽ do được Chúa chỉ đường nên Shchukin có một tầm nhìn vượt trước thời đại, và sẵn sàng hào phóng trả giá gấp 5, 10 lần thông thường để thúc đẩy và tôn vinh sự sáng tạo vượt trước thời đại của người nghệ sĩ. Nhà phê bình mỹ thuật người Anh Nicholas Watkins đã nhận xét: “Shchukin là nhà sưu tập và người bảo trợ nghệ thuật lỗi lạc, có tầm nhìn và đủ tài chính để thúc đẩy các nghệ sĩ sáng tác theo cách mới”. Có lẽ, ông là một trong số hiếm những nhà sưu tập đã có công thúc đẩy (và thậm chí dẫn dắt) sự phát triển mỹ thuật thế giới.
Năm 1909, Shchukin đã đặt hàng Matisse 2 bức tranh “Múa” và “Âm nhạc” với số tiền 27000 franc mà không lâu sau đó họa sĩ đã dùng để mua một căn nhà lớn có xưởng vẽ và vườn rộng rãi. Nhưng khi ra mắt ở Salon d’Automne, 2 bức tranh đó bị giới phê bình đương thời Paris đả phá kịch liệt. Nhà sưu tập hoảng sợ và định hủy bỏ hợp đồng với họa sĩ. Matisse cũng choáng váng theo. Nhưng sau đó Shchukin đã bình tĩnh lại và vẫn quyết định mua tranh của Matisse. Khi về đến Moskva, Shchukin đã viết thư cho Matisse rằng:
Quý ngài kính mến,
Tôi đã suy nghĩ nhiều về sự việc đã xảy ra. Tôi thấy xấu hổ vì sự thiếu dũng khí của mình. Chúng ta không thể rút lui mà chưa chiến đấu. Vì thế tôi đã quyết định cứ treo hai bức tranh của ngài. Người ta sẽ cười nhạo, nhưng theo niềm tin của tôi, con đường của ngài là đúng. Thời gian sẽ đứng về phía tôi và rốt cuộc tôi sẽ thắng.
Cũng phải nói thêm rằng, hầu hết các bức tranh Shchukin mua (dẫu từ các họa sĩ Pháp hay Nga) đều là những cú sốc với công chúng thời đó. Nhưng nhà sưu tập luôn luôn tin tưởng vào con mắt nghệ thuật của mình, con mắt mà ông tin rằng Chúa đã ban tặng cho mình. Trước những lời cười nhạo, thay vì đóng cửa khinh đời, Shchukin lại luôn mời gọi và khuyến khích các họa sĩ trẻ đến chiêm ngưỡng và học hỏi từ bộ sưu tập của mình.

Thứ ba, yêu nước
Yêu nước ở đây là yêu nhân dân Nga chứ không phải yêu chế độ nào. Năm 1918, sau khi bị chính quyền Bolsevich quốc hữu hóa toàn bộ tài sản, ngôi biệt thự sang trọng của ông trở thành bảo tàng của nhà nước, Shchukin chấp nhận làm người bảo vệ và hướng dẫn viên bảo tàng, sống trong phòng người hầu. Năm 1919 gia đình ông di cư sang Pháp để lại toàn bộ các tác phẩm mà ông vô cùng yêu quý, ông không hề đòi quyền lợi hay mang theo bất cứ một bức tranh nào. Ông nói: “Tôi đã sưu tập không phải cho tôi mà cho dân tộc tôi. Dù cho trên mảnh đất quê hương đang xảy ra sự kiện gì đi nữa thì những bức tranh đó phải được gìn giữ ở nước Nga”. Và thật may mắn, bộ sưu tập của Shchukin đã được các thế hệ chính quyền sau này trân trọng bảo vệ tương đối nguyên vẹn dù nước Nga đã trải qua một thế kỷ đầy biến động, đặc biệt là những tháng năm chiến tranh khốc liệt.
Cái ý nghĩ mua tranh không phải cho mình mà cho dân tộc mình có ý nghĩa rất quan trọng vì anh phải mua cái gì cho xứng đáng với mục đích cao cả đó. Mua tranh đối với Shchukin không phải là một thú chơi hay là một cách đầu tư sinh lời, nó là trách nhiệm đối với đồng loại. Nếu một nhà sưu tập chỉ quay cuồng với thị trường, với mua bán thì anh ta rất dễ để lọt mất những tác phẩm thực sự giá trị.
Sau khi dời bỏ quê hương và sống ở Pháp, Shchukin sống ẩn dật và lảng tránh Picasso, Matisse, những người được ông bảo trợ trước đây, giờ đã giàu có và nổi tiếng. Thỉnh thoảng ông vẫn mua tranh, chủ yếu của Raoul Dufy và Henri Le Fauconnier vì có sự thông cảm với tâm trạng lưu vong của mình.
Shchukin mất năm 1936 ở Paris, được chôn ở nghĩa trang Montmartre. Sau nhiều thập niên bị lãng quên ở cả Nga và Pháp, gần đây công lao của ông mới được ghi nhận, dẫu vẫn chỉ ở mức khiêm tốn, ví dụ gần đây nhất là cuộc triển lãm vinh danh ông ở Paris như đã nói ở trên.
Dẫu cho tên của Shchukin không được đặt cho một bảo tàng nào thì bộ sưu tập của ông vẫn được người dân Nga và thế giới chiêm ngưỡng mỗi ngày như mong muốn khi ông còn sống. Một đời sưu tập nghệ thuật như thế đã là thành công rồi. 

Vũ Hiệp

16/1/17

Vũ Hiệp: Thơ - Thư pháp - Tranh thủy mặc




Tập thi-thư-họa: "Vũ Hiệp: Thơ, Thư pháp, Tranh thủy mặc"

link download:
http://www.mediafire.com/file/j9mqcrjxsko4j1s/Do+thi+Viet+Nam+-+Goc+nhin+tu+nhung+noi+chon.pdf

Vua gà chọi. Lụa




Gà gọi mặt trời. Lụa




Đàn gà. Lụa





Chọi gà. Lụa



Mang bầu, lụa



Trống mái. Mực trên giấy điệp




Chọi gà, mực trên giấy dó




Thư pháp "Hình"