3/10/12

Chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng


Thuật ngữ “ Chủ nghĩa biểu hiện Trừu tượng” đã được sử dụng lần đầu tiên ở Đức khi bình luận về nghệ sĩ người Nga Wassily Kandinsky năm 1919, và sau này được gắn với nền nghệ thuật Mỹ sau đại chiến thứ II.  

Alfred Barr đã là người Mỹ đầu tiên sử dụng thuật ngữ này năm 1929, và cũng để nói về các tác phẩm của Wassily Kandinsky. Robert Coates (một nhà phê bình nghệ thuật Mỹ)  về sau đã phổ cập thuật ngữ này khi phân tích các tác phẩm của các nghệ sĩ tương tự như  Arshile Gorky, Jackson Pollock và Willem de Kooning.

Đến năm 1951 tại triển lãm hội họa và điêu khắc trừu tượng tại Bảo tang Nghệ thuật Mỹ, thuật ngữ này đã được sử dụng khi nói về các loại tác phẩm trừu tượng phi hình học.  
Có hai nhóm chính trong trường phái Biểu hiện Trừu tượng, chị ảnh hưởng của trường phái Siêu thực và Lập thể:
Nhóm họa sĩ đặc tả Mầu: Các họa sĩ Mark Rothko, Barnett Newman, Clyfford Still có những tác phẩm đơn giản, các mảng khối mầu sắc thống nhất.  
Nhóm họa sĩ đặc tả Hình: Jackson Pollock, Willem de Kooning và Hofmann sử dụng kỹ thuật của trường phái nghệ thuật Siêu thực.


Không phải các tác phẩm của tất cả mọi nghệ sĩ đều gắn kết với thuật ngữ hoặc thuần túy Trừu tượng hay thuần túy Biểu hiện, nhưng đôi khi lại đi sâu hơn về đặc tả tĩnh vật hoặc chân dung con người.  
Thuật ngữ “ Biểu hiện Trừu tượng” cũng thật là khó hiểu. Harold Rosenburg thích cụm từ “ Hội họa Hành động” hơn và nhà phê bình nghệ thuật thì lại thích “ Hội họa phong cách Mỹ” hơn. Bởi lẽ các họa sĩ trường phái “Biểu hiện Trừu tượng” tập trung ở New York nên người ta còn gọi với cái tên “ Trường phái hội họa New York”. “Biểu hiện Trừu tượng” là phong trào khởi nguồn từ Mỹ sau đó ảnh hưởng trên toàn thế giới  và thành phố New York đã trở thành trung tâm của  thế giới nghệ thuật, một vai trò trước kia thuộc về Paris.

Yếu tố đồng nhất cơ bản đối với tất cả các nghệ sĩ là sự tìm tòi khai thác tính tiên phong trong trừu tượng. Nhà xuất bản như  "Tiger's Eye", một tạp chí tiên phong, đã giúp quảng bá những ý tưởng Sáng tạo/Hiện sinh là một phần quan trọng của phong trào này.  Các nghệ sĩ trường phái Biểu hiện Trừu tượng đã tìm tòi nghệ thuật của họ và chia sẻ một sự quan tâm đến những ý tưởng của Jung về thần thoại, nghi lễ và năng lực trí tuệ.
Một số nghệ sĩ thuộc trường phái này có nguồn gốc từ trường phái Siêu thực và chịu ảnh hưởng của  Breton, Masson và Matta tại  New York vào những năm 1940 và những danh họa tiền bối của chủ nghĩa Siêu thực là Miró và Kandinsky.
Một số nghệ sĩ đã tự nhìn mình như những nhà phê bình vỡ mộng về xã hội đương thời sau cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến thứ hai.

Phong trào Biểu hiện Trừu tượng được nhìn nhận như một nhóm người nổi loạn và đôi khi là những người gây rắc rối. Sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của kỷ nguyên McCarthy  sau Thế chiến thứ II là một chủ đề nóng bỏng đối với giới nghệ sĩ và bởi lẽ sự trừu tượng hoàn toàn không thể kiểm duyệt được vì thực sự chẳng có gì để kiểm duyệt cả.  
Phong trào đã được đón nhận rộng rãi một phần là nhờ vào sự nổi tiếng của Jackson Pollock và một bài báo trên tờ tạp chí Time Magazine đã đánh giá ông là nghệ sĩ đương thời vĩ đại nhất nước Mỹ.  Tác phẩm của Pollock thuần túy là trừu tượng được chiếu sáng ra công chúng và các nhà phê bình nghệ thuật và gây ra tranh luận về  câu hỏi “ Nghệ thuật là gì?” và “ Phải chăng đó chính là nghệ thuật?”  







Ảnh hưởng của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng

Jean-Paul Riopelle là người đầu tiên đưa chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đến Châu Âu, tại Paris vào những năm 1950. Hai năm sau, quyển sách nền móng của người phụ trách bảo tang Michel Tapié “ một nghệ thuật khác” đã có ảnh hưởng to lớn trong việc quảng bá phong trào này tại châu Âu. Tapié đã “lăng xê” tác phẩm của Pollock và Hans Hoffman  tại khắp các triển lãm tại châu Âu.
Vào những năm 60 những ảnh hưởng của phong trào đã bước đầu được tiếp nhận, các phương pháp và đề xướng vẫn gây ảnh hưởng đối với nghệ thuật, và có tác động đối với tác phẩm của nhiều nghệ sĩ theo phong trào này. Tất cả các trường phái của thập kỷ 60 (Tachisme, Color Field painting, Lyrical Abstraction, Fluxus, Pop Art, Minimalism, Postminimalism, Neo-expressionism) đều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng.

Trừu tượng trong nhiếp ảnh

Trong nửa đầu của thế kỷ 20, một số các nghệ sĩ trường phái trừu tượng sáng tác cùng một lúc với nhiều phương tiện và chất liệu đã ca ngợi nhiếp ảnh là phương tiện tiến bộ nhất về biểu hiện.
Thông qua phương tiện máy ảnh và các giải pháp của hóa chất, nhiếp ảnh thể hiện  hình thức nghệ thuật hiện đại tân tiến nhất, vì khoa học và công nghệ là điều chủ chốt  đối với công việc sáng tạo nghệ thuật.  Lazlo Moholy-Nagy, một nghệ sĩ người  Hungari đã đạt đến đỉnh bậc thầy tại Bauhaus - Germany,  là một trong những người nổi tiếng với những tác phẩm đầu tiên về nhiếp ảnh phi – đối tượng.
Theo đuổi con đường mà nghệ sĩ gọi là cái nhìn mới, một nghệ thuật phù hợp với thời hiện đại  Moholy-Nagy đã sáng tạo các tác phẩm trừu tượng với những phương thức và chất liệu phong phú bao gồm hội họa, điêu khắc, phim ảnh, thiết kế và nhiếp ảnh. Với sự quan tâm đặc biệt đến ánh sáng, không gian và sự chuyển động nghệ sĩ đã sáng tạo các biểu đồ ảnh, tác phẩm nhiếp ảnh không phải với một ống kính đối diện với các đồ vật được bày đặt trực tiếp trên nền giấy nhạy cảm với ánh sáng, lúc đó được tiếp xúc lâu với ánh sáng. Với sự thay đổi về xếp đặt và nhắc lại các qui trình nhiều lần trên cùng một tờ giấy ảnh Moholy-Nagy đã tạo ra các đường nét siêu thực của hình dáng vật đối tượng và sự chuyển động của nó trên tờ giấy, đồng thời dấu đi hình ảnh thực của vật đối tượng.  
Ông đã tạo cảm giác của một hình ảnh không gian ba chiều bằng sự thay đổi ánh sáng và các khoảng tối trên bề mặt của hình ảnh, đó là kỹ thuật mà nghệ sĩ có thể làm cho vật đối tượng được biểu hiện trong suốt hoặc mờ ảo.   


Trừu tượng trong kiến trúc

Mối quan hệ giữa nghệ thuật trừu tượng và kiến trúc hiện đại thể hiện rất mạnh ở thời kỳ đầu thế kỷ 20. Nhiều họa sĩ đã tôn kính áp dụng các nguên tắc kiến trúc trong các tác phẩm trừu tượng của họ . Một vài trong số họ như Kazimir Malevich với các tác phẩm của mình, ông gọi với cái tên architectonics (cấu trúc, hệ thống hóa kiến trúc), còn tiến xa hơn để thử nghiệm ý tưởng ngoại suy không gian ba chiều trong hội họa.
Một số nhóm và phong trào nghệ thuật đã có tham gia vào sự thành lập các trường bách khoa, giảng dạy về sự hòa nhập của nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế.  Trường nổi tiếng nhất là trường Bauhaus, tại Weimar, Đức vào năm 1919 được thành lập bởi kiến trúc sư Walter Gropius. Ông đã thiết kế tòa nhà của trường tại Dessau (được xây dựng năm 1926), với hàng loạt hình khối liên kết cài xung quanh một ma trận trung tâm,  với nhau a series of interlocking geometric forms around a central matrix, hiện thân của sự chuyển biến một tác phẩm mặt phẳng trừu tượng thành một hình thể không gian ba chiều có chức năng. Là một trong những mốc đánh dấu bước ngoặt của thế kỷ 20, tòa nhà Bauhaus của Gropius minh họa những nguyên lý ban đầu của nền kiến trúc hiện đại: đề cao các chất liệu công nghiệp và kỹ thuật xây dựng, và bài xích những sự trang trí cùng các yếu tố thủ công, đồng thời tôn vinh thẩm mỹ hào nhoáng và máy móc.  

tuyluy.com

Những khác biệt giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật


Mặc dầu một số luận điểm mang tính lý thuyết trên chưa phải là tất cả những quan điểm lý thuyết của chủ nghiã hậu hiện đại, nhưng nó cũng giúp cho chúng ta hình dung được các lý thuyết gia của chủ nghĩa hậu hiện đại muốn nói gì. Trên quan điểm khoa học luận, có thể hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại là một cố gắng nâng cao và hợp thức hoá những quan điểm phản thực chứng thành một học thuyết khoa học mới. (Trong lịch sử khoa học, bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào những quan điểm phản thực chứng này cũng tồn tại song song với những quan điểm thực chứng, tuy nhiên chưa bao giờ chúng có cơ hội trở thành học thuyết chính thống hay ít nhất cũng có cơ hội để phủ định các học thuyết chính thống như ngày nay).

Có thể tóm tắt luận điểm này ở những so sánh sau giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại (mà thực chất là sự đẩy cao những luận điểm của những quan điểm phản thực chứng).

(1). Cấp độ bản thể luận

Chủ nghĩa hiện đại (Bản thể luận thực chứng)
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Bản thể luận phản thực chứng)
Thực tại là khách quan (vì thế đối tượng nghiên cứu là mộthiện tượng xã hội, phản ánh xã hội, quan điểm duy lý trong nghiên cứu, đại luận thuyết...)
Thực tại là quá trình tạo nghĩa, không mang tính toàn thể, không ổn định và chủ quan, không duy lý (những luận điểm như bất tín nhận thức, phủ nhận tri thức khách quan, phủ nhận một trật tự xã hội mà ủng hộ cho cái hỗn loạn vốn có, tiểu luận thuyết…)
Phân biệt giữa chủ thể và khách thể
Không phân tách giữa chủ thể và khách thể
Xã hội (cái tổng) quy định hành vi (cái bộ phận), hoặc cái bộ phận là phản ánh cái tổng (mối quan hệ giữa cái phản ánh cái được phản ánh)
Không có mối quan hệ giữa cái cái phản ảnh và cái được phản ánh, bản thân cái phản ánh có ý nghĩa của nó (những thuật ngữ như diễn ngôn, trò chơi ngôn ngữ…)


(2). Cấp độ lý thuyết- phương pháp luận (trong thực hành nghệ thuật)

Chủ nghĩa hiện đại
Chủ nghĩa hậu hiện đại
Trật tự, thứ tự
Hỗn loạn
Chú trọng vào kết quả hoặc trạng thái tĩnh của đối tượng
Tính quá trình
Giữ khoảng cách với đối tượng
Tham dự
Cấu trúc
Giải cấu trúc
Văn bản mang tính độc lập
Liên văn bản
Mô hình hoá
Biến hoá
Chiều sâu
Bề mặt
Cái được biểu hiện (được phản ánh)
Cái biểu hiện (cái phản ánh)
Ngôn ngữ bác học, chính thống
Ngôn ngữ bình dân, bản địa
Chú trọng thể loại
Lai tạp
Quyết định luận
Hiện tượng luận
v.v...
v.v...

Bùi Quang Thắng


Những khái niệm căn bản của post-modernism


Theo Hassan, danh từ postmodernism được Federico de Onis đưa vào văn bản lần đầu vào thập niên 1930 để chỉ sự ảnh hưởng đối kháng với chủ nghĩa hiện đại. Danh từ này được sử dụng một cách phổ biến vào thập niên 1960 tại New York, theo sau sự xuất bản hai cuốn sách phê bình về mỹ thuật kiến trúc: The Death and Life of Great American Cities của Jane Jacobs vào năm 1961 và cuốn Complexity and Contradiction in Architecture của Robert Venturi vào năm 1966. Trong khi Jacobs phê bình những quá trình hiện đại hoá đô thị đã làm mất đi tính mỹ thuật về kết cấu tổng thể của thành phố, Venturi phê bình lối kiến trúc đơn điệu cộc lốc của các cao ốc mang nặng tính thực dụng của diện tích mặt bằng mà lại bỏ quên tính đa dạng, sự hài hoà giữa lịch sử cổ điển và văn minh đương đại.
Trong hai tập sách, mặc dầu không nhắc đến chữ chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cả hai tác giả đều đề nghị giới trí thức hiện đại phải có tầm nhìn vượt lên trên thời hiện đại. Đến năm 1972, những khối nhà cao tầng được xây dựng từ những năm 50 (do Yamasaki thiết kế và đoạt giải kiến trúc Pruitt-Igoe về thiết kế nhà ở đô thị hiện đại) tại thành phố St. Louis, Missouri (Miền Trung Tây Hoa Kỳ) bị giật sập kéo theo sự phá huỷ các cao ốc có lối kiến trúc tương tự tại các thành phố khác của Mỹ, Gia Nã Đại và Âu Châu trong những năm tiếp theo, năm 1972 trở thành mốc thời gian cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trong suốt thập niên 60, danh từ postmodernism được nhiều giới nghệ sĩ, nhà văn và nhà phê bình như Rauschenberg, Cage, Burroughs, Barthelme, Fielder, Hassan và Sontag sử dụng để chỉ trích sự cạn kiệt của chủ nghĩa hiện đại và để mô tả những khuynh hướng nghệ thuật muốn vượt qua những phạm vi giới hạn của chủ nghĩa đó. Khuynh hướng hậu hiện đại từng bước tạo những ảnh hưởng rộng lớn hơn, lôi kéo sự bàn luận và chú ý của giới trí thức đại học như Bell, Kristeva, Lyotard, Vattimo, Derrida, Foucault, Harbemas, Baudrillardd và Jameson.
Theo Fredric Jameson, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như chủ nghĩa hiện đại, là những cơ cấu văn hoá, xã hội, tương ứng với những giai đoạn nhất định của chủ nghĩa tư bản. Jameson đã chia chủ nghĩa tư bản ra làm ba giai đoạn phát triển căn bản gắn liền với những hình thái văn hoá đặc thù, để từ đó các ngành nghệ thuật và văn chương được hình thành một cách tương ứng:
Giai đoạn thứ nhất hay chủ nghĩa tư bản thị trường xảy ra từ nửa đầu thế kỷ 18 kéo dài đến cuối thế kỷ thứ 19 tại Tây Âu, Anh Quốc và Hoa Kỳ cùng các quốc gia chịu ảnh hưởng. Giai đoạn này gắn liền với sự phát triển kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản, ví dụ như động cơ hơi nước và về mỹ học là sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực (realism).
Giai đoạn thứ hai hay chủ nghĩa tư bản độc quyền, bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến khi Âu Châu hoàn tất chương trình tái thiết thời hậu chiến (vào khoảng thập niên 1950). Giai đoạn này tương ứng với sự ra đời của động cơ đốt trong và động cơ điện về kỹ thuật; về mỹ học là sự hình thành chủ nghĩa hiện đại (modernism).
Giai đoạn thứ ba tức thời kỳ đương đại chúng ta đang sống, là chủ nghĩa tư bản đa quốc gia mang nặng yếu tố mở rộng thị trường, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm. Về kỹ thuật tương ứng với sự ra đời năng lượng hạch tâm và kỹ nghệ điện tử. Chủ nghĩa hậu hiện đại tương ứng với thời kỳ này.
Về phương diện lý thuyết, chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận những giả định căn bản của chủ nghĩa hiện đại mà hai yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho mọi nền tảng triết lý của nó là Tri Thức Khách Quan (Objective Knowledge) và Sự Thật Tuyệt Đối (Absolute Truth). Theo cách nhìn của các triết gia hậu hiện đại, chủ nghĩa hiện đạiđược xây dựng trên một niềm tin là có một hiện thực khách quan, tồn tại một cách độc lập với mọi suy nghĩ của chủ thể quan sát, vì vậy chỉ có một kết quả biểu hiện khách quan duy nhất từ hiện thực: Sự Thật. Phương tiện để tìm hiểu hiện thực (sự thật) khách quan là Khoa Học và các nhà lý thuyết của chủ nghĩa hiện đại tin rằng con người có thể tìm ra được sự thật khách quan của thế giới và vũ trụ. Nhờ vào khoa học, chủ nghĩa hiện đại tin rằng, trí óc con người có thể có những hoạt động tinh thần để tạo ra tri thức phản ánh cho một hiện thực khách quan – Tri thức khách quan.
Lý thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại tranh luận rằng những gì chúng ta gọi là Tri Thứcchỉ là một mẩu chuyện đặc biệt, một dạng văn bản, hay một giải trình ngôn ngữ (discourse), là sự sắp xếp các từ ngữ, hình ảnh hay ký hiệu, dáng điệu… theo một cách đặc biệt nhất định nào đó để phù hợp với những lợi ích của một nền văn hoá, hoặc đôi khi chỉ làm vui tai, vui mắt cho một thành phần nhỏ nhoi có quyền lực trong nền văn hoá đó. chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận con người có thể có một Tri Thức Khách Quan vì những gì chúng ta gọi là tri thức phải được tạo thành từ ngôn ngữ và những nguồn gốc tạo nghĩa khác tồn tại trong một nền văn hoá nhất định, mỗi nền văn hoá có cách nhìn thế giới trong những cách khác nhau, những hệ thống hình thành tri thức trong các nền văn hoá khác nhau như thế hoạt động trên một nguyên tắc đặc thù riêng biệt. Vì vậy, quan điểm về thế giới và vũ trụ từ nền văn hoá Âu Mỹ xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa hiện đại bị áp đặt để trở thành một quan điểm thống nhất và hằng định cho toàn thể mọi nền văn hoá trên thế giới, về thực chất là một giả định có tính chất mưu cầu lợi ích chính trị để đạt được những tham vọng đế quốc trong quá khứ, nó không tồn tại vững chắc trên cơ sở trí thức.
Chủ nghĩa hậu hiện đại đi xa hơn để chỉ ra rằng, cũng giống như một số nền văn hoá Âu Châu trong thời kỳ cận đại đã áp đặt quan điểm của họ lên những nền văn hoá khác bằng vũ lực, bằng xâm lăng và đô hộ, thì ngay trong các quốc gia “hiện đại” đó cũng có một thiểu số thuộc giai cấp quyền thế, giai cấp quý tộc cầm quyền chiếm ưu thế bởi các nhóm nam giới trung niên, đã thống trị và chi phối các dòng tư tưởng “chính mạch” trong các động hướng xã hội, chính trị, văn hoá và cả đến khoa học tự nhiên (nếu thực sự có một khoa học khách quan về tự nhiên như thế hằng tồn tại), làm cho “thế giới quan hiện đại” phát đi từ chủ nghĩa hiện đại tại các quốc gia đó vốn dĩ đã không khách quan lại càng bị bó hẹp hơn – quan điểm của giai cấp thống trị.
Như đã đề cập ở phần trên, Huyssen đã truy nguyên nguồn gốc của chủ nghĩa hậu hiện đại từ các khuynh hướng kiến trúc, mỹ thuật và phê bình của giới trí thức và nghệ sĩ tại New York vào thập niên 1960 sau đó được các nhà lý thuyết triết học Âu Châu khai triển vào thập niên 70, trong số các lý thuyết gia hàng đầu đó (Michel Foucault, Jean Baudrillard, Kristeva, Bell…) phải kể đến Jean-François Lyotard với cuốn sách nổi tiếng La Condition Postmoderne xuất hiện tại Paris vào năm 1979, khi cuốn sách này được chuyển dịch sang Anh ngữ vào năm 1984, cùng với bài luận văn ngắn: “An Answer to the Question: What is Postmoderism?” đăng trong phần phụ lục, đã trở thành cuốn sách giáo khoa về chủ nghĩa hậu hiện đại lưu hành phổ biến trong giới đại học của các quốc gia nói tiếng Anh. Lyotard phê phán nỗ lực tạo ổn định xã hội bằng cách trấn áp sự hỗn loạn (disorder) của chủ nghĩa hiện đại, ông cho rằng tính chất ổn định xã hội này trùng hợp với khái niệm toàn thể (totality) của J. Derrida (trong đó totality tương đương với wholeness, completeness).
Tính toàn thể, tính ổn định, tính trật tự trong xã hội hiện đại, theo Lyotard, được duy trì thông qua những thần thoại hợp lý hoá (legitimating myths), hay những đại tự sự(grand narratives) của thời kỳ hiện đại. Lyotard tấn công vào tính đại tự sự mà chủ thuyết hiện đại tin rằng sẽ có một quá trình giải phóng nhân loại để tiến đến sự tiến bộ thông qua khoa học, cùng với ý tưởng triết lý có thể phục hồi tính thống nhất trong sự tiếp nhận và phát triển một tri thức nhân loại có giá trị chung cho toàn thế giới (và vũ trụ). Một trong những đối tượng tấn công của Lyotard vào thời kỳ này là Habermas, người đặt nghi vấn về một hình thức bảo thủ mới trong lý thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại và hậu cấu trúc luận (poststructuralism) của Pháp.
Lyotard tranh luận rằng, tất cả mọi khía cạnh của xã hội hiện đại, bao gồm cả khoa học – hình thức căn bản của tri thức, hoàn toàn tuỳ thuộc vào những đại tự sự. Theo ông, đại tự sự là những câu chuyện “có tính cách thần thoại” một nền văn hoá tự kể về niềm tin và hành động thực tiễn của nó. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, một trong những đại tự sự về chính trị hiện nay là Dân Chủ và Nhân Quyền, một đại tự sự mà chính phủ Mỹ cho là chính sách hợp lý và văn minh nhất trong vấn đề đối ngoại, và dĩ nhiên, người lập ra sách lược này tin rằng nó sẽ làm cho nhân loại trên thế giới sống hoà bình và hạnh phúc hơn. Có lẽ cho đến nay không ai trong chúng ta là không tin vào chính sách “hết sức khoa học và hợp lý” này. Nhưng tuyệt nhiên không ai đặt một dấu hỏi cỏn con nào về mặt thật đằng sau tính chất đại tự sự ấy của nền văn hoá Mỹ.
Theo quan điểm hậu hiện đại, mỗi hệ thống đức tin hoặc ý thức hệ, đều chứa đựng những “thần thoại hữu lý” của nó. Ví dụ, giáo hội Công giáo tin có một thượng đế duy nhất hằng hữu, bao dung và toàn trị; trong khi đó, những người Mác-xít tin tưởng một cách kiên trung rằng, một ngày kia chế độ tư bản sẽ tự nó sụp đổ và thế giới xã hội không tưởng sẽ hình thành; hay Việt Nam ta cũng có đại tự sự: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, đánh thắng ba đế quốc to…
Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán các hình thức đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại bằng cách cảnh báo rằng, những đại tự sự đó được lạm dụng để che đậy những mặt đối lập và bất định gắn liền với mọi tổ chức xã hội cũng như mọi thực tiễn hành động. Nói một cách khác, mọi nỗ lực kiến tạo trật tự và ổn định luôn luôn sản sinh ra một đối lực tương ứng của hỗn loạn và bất ổn, như hai quá trình song hành trong một thể thống nhất của hiện thực xã hội. Nhưng, thay vì nhìn những yếu tố “hỗn loạn” và “bất ổn” đó như một đối trọng có tính cách cân bằng trong nghĩa xây dựng, đại tự sự của chủ nghĩa hiện đại đã tìm mọi cách đè bẹp với lý lẽ cho rằng sự hỗn loạn và bất ổn là xấu, là phá hoại, là phản động, cần phải tận diệt, trong khi đó trật tự và ổn định là luôn luôn tốt, luôn luôn đúng, phù hợp với cách mạng, hợp lý với khoa học!
Chủ nghĩa hậu hiện đại phủ nhận tính chất đô hộ và áp đặt của đại tự sự, cổ xuý những tiểu tự sự, những lý lẽ giải thích cho những hành động nhỏ bé, những biến cố có tính chất địa phương thay vì những khái niệm rộng lớn có tính cách bao quát và toàn thể. Những tiểu tự sự của chủ nghĩa hậu hiện đại thường được nhìn dưới góc độ hoàn cảnh tạm thời, ngẫu nhiên, không tuyên xưng tính thống nhất toàn thể, tính ổn định, tính hợp lý, hay sự thật khách quan.
Đối với chủ nghĩa hậu hiện đại, mọi sự thật vĩnh hằng và trường cửu sẽ biến mất, mang theo nó những quy định về ngôn ngữ của cái biểu đạt (signifier/signifiant) và cái được biểu đạt (signified/signifié), thay vào đó là những biểu hiện bề mặt không cần có bản chất, như Foucault  đã chỉ ra bản chất của lịch sử, trong đó ông cho rằng, sử gia tái tạo lịch sử là một công việc hão huyền, nếu không muốn nói là sự đánh lừa công chúng một cách ấu trĩ, vì, giải trình ngôn ngữ lịch sử là một giải trình ngôn ngữ hiện tại, phục vụ cho hiện tại, tạo ra một ý nghĩa nào đó cho con người hôm nay, có một hiểu biết nào đó, về những dấu tích khảo cổ để lại từ những sinh hoạt mà nhân loại thu lượm được từ quá khứ.
Từ lý luận về giải trình ngôn ngữ lịch sử, Foucault đã đi sâu hơn về khái niệm giải trình ngôn ngữ (discourse), ông viết một chương dài bàn luận về vai trò của khái niệm này, nó không phải chỉ đặc trưng cho chức năng ngôn ngữ, mà tất cả những gì con người có thể làm để tạo nghĩa về thế giới. Foucault đã chứng minh rằng, những hiện thực khách quan, những đối tượng nghiên cứu khoa học của chủ nghĩa hiện đại, như những ý niệm (thực thể) của bản ngã, quốc gia, ngôn ngữ, trí tuệ, giới tính, tội phạm, những định chuẩn tự nhiên, vân vân, thực chất là những cấu trúc đặc thù của lịch sử, hay sản phẩm của lịch sử, không thuộc về đối tượng của giải trình ngôn ngữ nhân loại.
Ông chú ý đến cái gọi là khoa học hiện tượng để tìm ý nghĩa thông qua giải trình ngôn ngữ, từ đó nghiên cứu những phương pháp lý thuyết của quá trình tạo nghĩa bởi sự tương tác giữa con người và giải trình ngôn ngữ đối với sự vật. Với giải trình ngôn ngữ của Foucault hay "trò chơi ngôn ngữ" (language game) của Wittgenstein (J. F. Lyotard khai triển thêm), chủ nghĩa hậu hiện đại đã bước hẳn sang một ngã rẽ khác trong quá trình quan sát và tạo nghĩa, một quá trình hoàn toàn loại trừ khái niệmcái biểu đạt và cái được biểu đạt của chủ nghĩa hiện đại để tập trung xây dựng một cách diễn đạt ý nghĩa mới về thế giới và vũ trụ.
Trong giải trình ngôn ngữ hậu hiện đại, sự phân tích ngôn ngữ là một sự áp dụng ngữ nghĩa học (semantics) vào một văn bản thuần tuý, không tìm những ý nghĩa ẩn tàng sau những cách sử dụng cú pháp, văn phạm và tu từ như được nhấn mạnh trong chủ nghĩa hiện đại. Thay vào đó là sự chú tâm đến những quy ước văn hoá của ngôn ngữ, do đó đòi hỏi sự tìm hiểu ngôn ngữ xuất phát từ xã hội hơn là xuất phát từ ý thức.
Chúng ta không thể nào phân tích một cách đầy đủ quá trình thụ nhận tri thức của một cá nhân từ ngôn ngữ nếu chúng ta không hề hay biết đến kiểu mẫu giải trình ngôn ngữ của cộng đồng cá nhân đó đang lệ thuộc. Giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại đặt nền tảng trên nguyên tắc liên văn bản (intertextuality), bất chấp giải trình đó là ngoại biểu hay nội biểu; nói cách khác, mọi ý nghĩa được tạo nên phải dựa vào căn bản một ý nghĩa khác đã được thành lập trước đó và chia sẻ bởi cộng đồng, rộng hơn, của nền văn hoá cộng đồng đó phụ thuộc.
Trong giải trình ngôn ngữ của chủ nghĩa hậu hiện đại, có hai tên tuổi lớn luôn được nhắc đến: Foucault và Bakhtin. Bakhtin và Foucault quan niệm rằng, giải trình ngôn ngữ là một quá trình hành động để tạo nghĩa, mà đơn vị giải trình của nó là đơn vị ý nghĩa hoặc một hành động của con người để diễn tả ý nghĩa chứ không phải những đơn vị của ngôn ngữ như ngôn, từ, mệnh đề, câu… Giải trình ngôn ngữ có thể tạo nghĩa từ những điệu luân vũ, dáng điệu, chuyển động; với hình ảnh, biểu đồ, bài hát, hay ngay cả với thực phẩm và quần áo.
Lấy ví dụ, trong khoa học, chúng ta không phải chỉ viết và nói, chúng ta còn sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau để xây dựng những ý nghĩa đặc thù cho mỗi ngành khoa học, những phương pháp đó bao gồm việc quan sát các hiện tượng xảy ra khi tiến hành một thực nghiệm sinh hoá học, ghi nhận và phân tích dữ kiện, hoặc trong kinh tế, các chuyên gia thường chú ý đến các biểu đồ lên xuống của tiền tệ, hối đoái, trong xã hội người ta lại tìm kiếm các số liệu người thất nghiệp, người có việc làm, tỉ lệ tội phạm, hoặc thăm dò các khuynh hướng chính trị của một nhóm chủng tộc nào đó… (ví dụ sẽ còn rất nhiều, chỉ xin đơn cử một số để minh họa).
Trong mỗi lãnh vực riêng biệt đều có một hệ thống ký hiệu quy ước mà cộng đồng chấp nhận, và giải trình ngôn ngữ là sự ứng dụng các hệ thống ký hiệu để tạo nghĩa về một hiện tượng, một vật thể hay rộng hơn về thế giới. Ký hiệu học hậu hiện đại nhấn mạnh đến sự giải trình ngôn ngữ về tạo vật hay hiện tượng tức là cách chúng ta nhìn sự vật và hiện tượng như thế nào, chứ không phải hiện tượng và sự vật được mô tả như thế nào bằng giải trình ngôn ngữ.
Chủ nghĩa hậu hiện đại hoàn toàn không đề cập đến bản chất hiện tượng đó, hay nói theo ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện đại, Sự Thật đằng sau hiện tượng. Như đã đề cập phần trên, hiện tượng chúng ta quan sát và tạo nghĩa bằng giải trình ngôn ngữ, là một quá trình so sánh liên văn bản kéo dài đến bất tận, nên chúng ta không tài nào biết được đâu là nguồn gốc của ý nghĩa, đâu là sự thật của ý nghĩa đó. Một quá trình mà Baudrillard cho là sự sao chép giả tạo (simulation).
Khái niệm căn bản cho lý thuyết hiện tượng học của Baudrillard là Vật thể giả tạo(Simulacrum). Simulacrum là một hiện tượng mà bản chất của nó hoàn toàn bị che dấu nên không còn mang tính chất hiện thực và chúng ta cảm nhận được thế giới là nhờ giải trình ngôn ngữ trên các hiện tượng “giả tạo” đó. Vì vậy, Sự Thật mà chủ nghĩa hiện đại tìm thấy ở vật thể và thế giới thực ra là những hình ảnh giả tạo, Simulacrum.
Nguyễn Minh Quân

So sánh mỹ học hiện đại và hậu hiện đại


Theo một nghĩa rất hạn hẹp, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại gắn liền với những khuynh hướng mỹ học có tính chất đặc trưng cho thời kỳ hiện đại và thời kỳ hậu hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại (cuối thế kỷ thứ 19) với những đại diện tiêu biểu như: Joyce, Yeats, Gide, Proust, Rilke, Kafka, Mann, Musil, Lawrence và Faulkner (Văn Chương); Rilke, Pound, Eliot, Lorca, Valéry (Thi Ca); Strindberg, Pirandelo và Wedekind (Kịch); Matisse, Picasso, Braque, Cézanne và những trường phái Vị Lai, Biểu Hiện, Đa Đa, Siêu Thực, trong hội hoạ; Stravinsky, Schoenberg và Berg (Âm Nhạc).
Những đặc điềm mỹ học của chủ nghĩa hiện đại có thể tóm tắt như sau (2): nhấn mạnh đến sự diễn tả quá trình nhận thức xảy ra như thế nào hơn là những gì được cảm nhận, sử dụng hình thức ấn tượng và nêu bật vai trò chủ thể trong hành văn, như trường hợp lối viết của thể loại dòng ý thức (stream of consciousness) trong tác phẩm của James Joyce; loại trừ lối viết tự sự, bắt nguồn từ một ngôi thứ ba thông suốt hết mọi sự, có cảm quan cố định và một làn ranh rõ ràng về đạo đức; xoá nhoà sự tách biệt giữa các thể loại, do đó thơ đến gần với văn xuôi (trường hợp Eliot) và văn xuôi đến gần với thơ (trường hợp của Woof và Joyce); tác phẩm mỹ thuật có dạng thức phân đoạn, không liên tục và là một kết hợp ngẫu nhiên nhiều chất liệu; tác phẩm mang nhiều sắc thái nội hướng, ý thức bản ngã của tác giả, để mỗi sáng tác mang một ý nghĩa mỹ học tự thân; và sau cùng là sự chối bỏ các lý thuyết mỹ học khuôn sáo để tiến đến sự ngẫu hứng và khám phá sự sáng tạo, phủ nhận sự phân biệt các dạng thức cao thấp trong mỹ học.
Quan điểm mỹ học hậu hiện đại mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.
Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có nhiều điểm tương đồng với quan niệm mỹ học hiện đại, như sự soi rọi nội tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục, tính đồng diễn… Nhưng ngược lại, thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi tâm hoá và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan tác giả; thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào một trò chơi ngoại biểu, tạo ra những đối kháng có tính chất mỉa mai và châm biếm để người đọc tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi kéo người đọc vào trò chơi đó.
Quan điểm mỹ học hiện đại vẫn còn mang nặng tính chất đại tự sự, khi nhiều công trình nghệ thuật được sáng tác để mang một thông điệp cho loài người biết rằng, nghệ thuật hiện đại có khả năng tạo ra những tác phẩm có sự đồng nhất, kết cấu chặt chẽ và mang những ý nghĩa của đời sống mà chính sự phát triển các phương tiện hiện đại đã làm chúng biến mất. Nghệ thuật hiện đại tự khoác cho nó một vai trò lịch sử to lớn để tái tạo lại những gì mà các thể chế khác của nhân loại đã bó tay. Nói chung, nền mỹ học hiện đại, giống như chủ thuyết khai sinh ra nó, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những niềm tin vào khả năng vô hạn của con người, một khả năng dựa hẳn vào tính chất tuyệt đối của sự thật phát hiện bởi các phương tiện khoa học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, trái lại, xem mỹ học cũng như các vật thể giả tạo khác mà hiện thực hoàn toàn bị khuất lấp sau những hiện tượng, những Simulacrum. Càng nhiều hiện tượng, “hiện thực” càng được làm đầy thêm (hyper-reality) và vai trò của nghệ thuật chỉ thuần tuý là tham gia vào trò chơi hỗn loạn giữa các vật thể giả tạo đó, và việc có tin tưởng vào hiện thực biểu hiện hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người đọc, tuỳ thuộc vào nền văn hoá mà họ đang sinh hoạt và tuỳ vào khả năng phản ánh hiện thực thông qua hành động giải trình ngôn ngữ, và cứ như thế mà mỹ học hậu hiện đại cứ kéo dài sự diễn dịch ra ngoài mọi biên cương để tiến về nơi bất tận.
Nguyễn Minh Quân

Thích Tâm Mãn - Nhật lạc sơn đầu