Mở
đầu
“Than hồng
trên đống cứt
ngựa -
những cánh anh
đào đỏ!”
(Yosa Buson)
Bài thơ haiku này của
Yosa Buson tuy ngắn nhưng gửi gắm những triết lý rất quan trọng về nghệ thuật.
Thứ nhất, nghệ thuật được cảm nhận qua sự so sánh, chuyển dịch, đăng đối; cụ
thể ở đây là sự đăng đối giữa hai thái cực đẹp và xấu, thanh sạch và ô uế, hoa
anh đào và cứt ngựa. Thứ hai, nghệ thuật không bị ràng buộc vào bất cứ quan
điểm hay tiêu chí nào, nó không chắc chắn là chân thiện mỹ, nó có thể là cứt
ngựa, nó có thể chẳng là gì cả. Thứ ba, nghệ thuật là một công cụ để giác ngộ,
nó giúp tư tưởng và tâm hồn của chúng ta bừng nở, khoáng đạt, thênh thang… cũng
giống như cảm giác khi chúng ta đọc bài thơ kỳ lạ này.
Cuốn sách nhỏ này của
chúng tôi sẽ được triển khai trong bốn chương, nhưng chung quy lại nó cũng chỉ
mang những giá trị như bài thơ haiku trên mà thôi. Những triết lý về nghệ thuật
sẽ được chúng tôi tiếp cận và diễn giải theo ba phái tư tưởng là Đạo giáo,
Deconstruction và Thiền. Tuy mỗi phái có những đặc trưng và sức ảnh hưởng khác
nhau nhưng chúng có điểm chung cơ bản là: thứ nhất, đều coi ngôn ngữ tuy là
công cụ để tư duy nhưng cũng là vật cản của tư duy; thứ hai, dùng các cặp khái
niệm đối lập để chỉ ra tính thiếu sót, bất toàn, lệch lạc của ngôn ngữ, từ đó
tìm những cách khắc phục để tư tưởng được thấu suốt đến tận cùng. Thông qua
những điểm chung đó, chúng tôi sẽ kết nối những giá trị thẩm mỹ và minh triết
của phương Đông và phương Tây cùng với những ví dụ sinh động về hội họa, điêu
khắc, kiến trúc, nghệ thuật đương đại. Cũng vì lấy các ví dụ tác phẩm và trích
dẫn lý luận chủ yếu thuộc các bộ môn mỹ thuật như hội họa, kiến trúc, điêu
khắc, nghệ thuật đương đại nên chúng tôi quyết định lấy tên cuốn sách là: “Một
cuộc tìm kiếm mỹ thuật: Đạo, Deconstruction, Giác ngộ”. Chúng tôi hy
vọng sẽ có dịp viết về thơ ca, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh… ở một cuốn sách
khác. Nội dung cơ bản trong bốn chương của cuốn sách này là:
Chương I: Một số gợi ý từ Đạo Đức
Kinh.
Ở chương này chúng tôi sử dụng trích dẫn ở các chương 1, 11, 41, 42 của Đạo Đức
Kinh để triển khai các suy luận và nêu ra những hệ quả. Những trích dẫn này
chứa đựng những quan điểm đặc trưng của Đạo giáo mà theo chúng tôi, chúng khơi
gợi những điều mới mẻ cho nghệ thuật, ví dụ như cái không, cái rỗng, cái thông
suốt. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của những yếu tố mà giác quan
con người khó chạm tới ví dụ như những khoảng trống trong tranh, những khoảng
rỗng trong điêu khắc, không gian trong bố cục kiến trúc. Ngoài ra, tính thông
suốt trong mỗi tác phẩm hay cái Đạo trong nghệ thuật cũng được chúng tôi nhắc
tới như là một tiêu chí quan trọng để công chúng và các nhà phê bình nghệ thuật
xác định đẳng cấp thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật. Khi thấu hiểu tính thông
suốt rồi thì chúng ta mới có thể hiểu được vẻ đẹp của sự vô duyên mà chúng tôi
sẽ đề cập trong chương IV.
Chương II: Từ khóa Deconstruction.
Sau khi giới thiệu sơ lược về deconstruction (hủy kiến tạo), một lý thuyết
triết học đương đại phương Tây, chúng tôi dùng những từ khóa quan trọng của
deconstruction để triển khai các lý luận nghệ thuật. Đó là các từ khóa logocentrism, différance, trace,
pharmakon, parergon, supplement. Những kiến giải và áp dụng lý thuyết triết học
phức tạp của deconstruction vào nghệ thuật sẽ xuất hiện những cách hiểu mới hay
những diễn ngôn mới của các từ khóa trên rất thú vị mà có lẽ độc giả sẽ không
thể tìm thấy ở bất cứ một cuốn sách về triết học và nghệ thuật nào đã từng đọc.
Trong chương này, chúng tôi đi sâu vào phân tích các cặp khái niệm đối lập, vốn
là điểm nút quan trọng để kết nối deconstruction với Đạo giáo và Thiền. Khi đọc
cả ba chương đầu, độc giả sẽ thấy sự khác biệt giữa ba hệ phái tư tưởng này
trong cách xử lý vấn đề ám thị ngôn ngữ và sự tương tác giữa các khái niệm đối
lập, từ đó sẽ thấy được sự ưu việt trong cách xử lý của Phật giáo Thiền tông.
Chương
III: Đối thoại của các tổ sư Thiền. Ở chương này chúng tôi lại chọn các đối thoại của các tổ sư Thiền làm
khởi đầu cho các lý luận. Phần lớn các đối thoại này là những công án mà các tổ
sư dùng để giác ngộ học trò. Với hình thức đối thoại, các thiền sư sẽ làm cho
học trò tự ngộ, một trạng thái thênh thang tự do, không phụ thuộc vào bất cứ
một quan điểm nào, vượt qua mọi sự đối đãi nhị nguyên giữa các khái niệm đối
lập. Khi lấy các dẫn chứng trong nghệ thuật chúng tôi cũng đồng thời so sánh
cách xử lý giữa thiền và deconstruction. Độc giả sẽ thấy rằng sự ngộ có vai trò
rất lớn trong thiền, và nghệ thuật cũng là một phương pháp để ngộ.
Chương
IV: Những pháp nghệ thuật. Trong
chương cuối này, chúng tôi đưa ra một số phương pháp thực hành sáng tác nghệ
thuật dựa trên sự tổng hợp của ba chương đầu. Đó là các pháp họa thiền, đối
họa, nghệ thuật hành động, vô duyên, dấn thân. Chúng tôi hiểu rằng, thực tế quá
trình sáng tác của mỗi nghệ sĩ sẽ nảy sinh rất nhiều các phương pháp khác nhau,
nhưng ngẫm lại thật ra cũng chẳng có phương pháp nào. Đó chỉ là một số ý tưởng sáng
tạo được chúng tôi đúc kết lại dựa trên kinh nghiệm sáng tác và những kiến thức
đã được học, được đọc.
Ngoài ra, trong phần phụ lục, chúng tôi sẽ cung cấp cho
độc giả những sơ đồ ảnh hưởng giữa các tác gia, nghệ sĩ, trào lưu như: sơ đồ
các tông phái thiền ở Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam; sơ đồ ảnh hưởng các họa sĩ
cổ điển Trung Hoa và Nhật Bản; sơ đồ ảnh hưởng các dòng triết học, kiến trúc và
nghệ thuật đương đại phương Tây. Những sơ đồ này sẽ giúp độc giả nắm được khái
quát lịch sử, sự phát triển và ảnh hưởng của Thiền tông, triết học đương đại,
nghệ thuật cổ điển phương Đông và nghệ thuật đương đại phương Tây... từ đó sẽ
dễ dàng hơn trong việc nắm bắt những kết nối và gợi mở còn thô thiển của chúng
tôi.
Cuốn sách này không phải là một tuyên ngôn cho một quan điểm mỹ học nào, nó
chỉ là sự tìm kiếm và chắt lọc những gì có tính gợi mở cho nghệ thuật từ kinh
sách của ba học phái Đạo giáo, Deconstruction và Thiền. Chúng tôi hy vọng rằng
cuốn sách này sẽ giúp ích cho các nghệ sĩ, những nhà phê bình, những người yêu
nghệ thuật trong việc sáng tác và thưởng lãm nghệ thuật. Những ý kiến trao đổi
về học thuật xin được gửi về email: motdanna@gmail.com
Xin chân thành cám ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét