Tôi dùng kỹ thuật mực nhòe trong bức tranh này.
20/9/12
Hana
Hana(花, hoa) là cái tinh hoa
của nghệ thuật tuồng nô (Noh) mà các nghệ sĩ phải đạt tới. Trong đoạn 6 của tác
phẩm lí luận kinh điển Fuushikaden (khoảng năm 1400) của
nhà soạn kịch danh tiếng Zeami có đoạn:
“Về diễn xuất thì
có người đạt được kỹ thuật cao nhưng có khi không hiểu gì về tinh thần của Noh,
ngược lại, có người không nắm kỹ thuật cho lắm nhưng lại cảm nhận rất tốt về
Noh. Khi diễn trước công chúng, người có kỹ thuật cao mà diễn không đạt là vì
thiếu cảm nhận về Noh. Vì thế, kẻ mới vào nghề mà đứng trước khán giả lại trổ
được cái tinh hoa mà người diễn chuyên nghiệp không có.”
Kinh nghiệm của Zeami cho
chúng ta biết rằng cái tinh thần của tuồng nô (và nghệ thuật nói chung) không
phải là những qui tắc kĩ thuật biểu diễn với các động tác múa và cách nhả âm
giọng mà nó nằm ở cái đam mê hưng phấn của kẻ mới vào nghề. Khi đó kẻ mới vào
nghề chưa bị các thói quen diễn xuất hay chính là cái quyền lực của khái niệm
ngôn từ chi phối, họ hành động tự do sáng tạo theo cảm nhận tự nhiên về vở
diễn. Cái lần đầu kì diệu. Điều này làm chúng ta cảm tưởng tới vẻ đẹp bất tử
của mối tình đầu say mê non dại.
Trong hội họa Trung Hoa cũng có đề cập tới
vẻ đẹp hoang sơ của người mới vào nghề, nhưng cuối cùng họ cầu toàn để dẫn đến
sự tôn sùng nước đôi là vừa đạt sự tinh xảo, vừa đạt cái ngu ngơ. Còn nhà lí
luận Nhật Bản Zeami thì khẳng định rằng: sự chuyên nghiệp cũng tốt đấy, nhưng
sức sống của kẻ mới vào nghề còn hay hơn rất nhiều, và nó chỉ tồn tại trong vài
lần diễn đầu của người nghệ sĩ.
Seshu Toyo - Bốn mùa
Seshu Toyo (1420-1506) họa sĩ tranh thủy mặc Nhật Bản, nổi tiếng với bộ tranh 12 tháng trong năm dưới đây.
Tề Bạch Thạch vẽ sen
Tề Bạch Thạch (1864-1957) tên thật là Tề Hoàng, tự là Bạch
Thạch, quê ở Hồ Nam, nổi tiếng thế giới với biệt tài vẽ tôm. Tề Bạch Thạch lúc
đầu là thợ mộc và nghệ nhân vẽ tranh dân gian, sau rồi đi khắp nơi trong nước
để tham quan các phong cảnh đẹp và học hỏi về hội họa, văn học. Đến khoảng năm
40 tuổi ông mới bắt đầu vẽ như một họa sĩ thực sự. Không giống như các thiên
tài hội họa khác vốn bộc lộ tài năng thiên bẩm từ trẻ, Bạch Thạch là một ví dụ
điển hình của tinh thần làm việc và học hỏi không ngừng nghỉ để hướng tới cái
Đạo trong nghệ thuật.
Các bức tranh tôm sống động của Bạch Thạch thì ai cũng biết, nhưng các
bức tranh vẽ sen của ông cũng rất hấp dẫn.
Tề Bạch Thạch có lối vẽ rất phóng khoáng, giàu chất
biểu hiện và chịu ảnh hưởng nhiều từ Bát Đại Sơn Nhân, Thạch Đào. Ông mạnh dạn vẽ những
mảng lớn đen đậm tự do để tả lá sen, những đường tự nhiên để tả thân sen, và
màu đỏ hoa sen nổi bật lên với vẻ rất …vu vơ. Nét bút của ông hình như không bị
gò bó gì cả, rất sắc xảo, điêu luyện mà vẫn giữ được sự vô tư trong sáng.
Tranh của Thạch Đào
Bức “Đá, hoa và
cỏ dại”
So với Bát
Đại Sơn Nhân, Thạch Đào dùng nhiều nét hơn (có thể nói là hơi thừa nét) nhưng
lại có khí lực mạnh mẽ hơn. Mỗi ngọn cỏ, bông hoa đều có sức sống riêng của
mình nhưng tất cả thống nhất với nhau thành một thể. Nhiều nét đậm nhạt, dài
ngắn, dày mỏng, vặn vẹo khác nhau mà không hề loạn. Tư thế chuyển động của mỗi
thành phần trong tranh cùng nhau gợi lên cảm giác một cơn gió đang thổi. Ngọn
gió lan tràn toàn vũ trụ, chạm vào từng ngọn cỏ, đóa hoa.
Bức “Sen”
Cách thể hiện của bức tranh này nói riêng và phong
cách thể hiện của Thạch Đào nói chung rất tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ, sống
động. Mới nhìn thì tưởng là hỗn loạn nhưng thật ra rất tự nhiên, chặt chẽ và
thông suốt theo nhất họa pháp. Các đường nét của đất đá, của hoa sen, của lá
sen, của cỏ dại đều liên hệ với nhau, tương đồng với nhau. Bạn có thấy những
nét hình chữ “V” thấp thoáng ẩn hiện trong toàn bộ bức tranh không?
Bức “Cảnh núi”
Lần đầu tiên
trong lịch sử tranh núi Trung
Hoa có một cách thể hiện lạ lùng, táo bạo như vậy. Thạch Đào
dùng các nét mực vỡ nhạy cảm thể hiện gân núi và dùng các chấm tròn nhỏ để tả
sắc độ. Tất cả các chấm nét đều tự do, không loạn mà cũng không nguyên tắc.
Hình ảnh các ngọn núi hiện ra không phải là “hình núi” mà là “ý núi”. Rất biểu
hiện!
Trong am nhỏ là một cư sĩ (hoặc đạo sĩ) đang ngồi chơi
cổ cầm. Thạch Đào tả núi hay là tả tiếng đàn? Từng tảng đá, từng ngọn núi như
thể là những con sóng dồn dập ngòai biển cả, trào dâng miên man trong tiếng đàn
tranh trầm hùng ngất ngây. Núi, biển, đá, sóng, nhạc, và người hợp lại là một.
Cái bản thể của vũ trụ ẩn hiện, lan tràn khắp nơi.
Tranh mà không phải tranh. Nhạc mà không phải nhạc.
Bức “Hoa đào ven
sông”
Các mảng mực
màu tự do hỗn loạn chèn lên nhau để tả một bờ sông mùa xuân đầy sức sống ẩn
hiện chơi vơi trong sương mù. Xa xa là ngọn núi lam vẫn còn lạnh để làm tương
phản với không khí ấm áp náo nhiệt của bờ sông.
Một bố cục
phóng khoáng mà chặt chẽ, đơn giản mà đa ý, khác biệt mà thống nhất, tương phản
mà chuyển hóa. Thật kì diệu!
Bức “Thác nước ở núi Lư”
Thạch Đào thì tạo một không gian mờ ảo trong làn
sương mù, cảnh vừa thực vừa hư, vừa ẩn khuất vừa hiển hiện, có nhịp điệu và
tiết độ. Thác nước, núi và cây bị nhòe vào sương mù nhưng thế núi vẫn hùng
dũng. Ông dùng
các mảng mực để gợi hình ảnh, đôi khi dùng nét vỡ để thể hiện gân núi khỏe
khoắn. Nhìn tranh ta thấy không khí hơi nuớc lan tràn khắp nơi, thậm chí
có thể ngửi thấy cả mùi hơi nước bốc lên.
Khổ Qua hòa thượng ngữ lục
Thạch Đào (1641-1717) họa sĩ Trung Hoa thiên tài với sự đột phá trong nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, có ảnh hưởng rất lớn tới các lớp họa sĩ sau này như Trịnh Hiệp, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Trương Đại Thiên... Dưới đây là mọt số trích đoạn trong cuốn "Khổ Qua hòa thượng ngữ lục" của ông.
“Khởi thủy chưa có phương pháp. Khởi thủy là hỗn mang
chưa có phân định. Khi cái hỗn mang ấy phân định thì mới có phương pháp. Vậy
phương pháp ra đời như thế nào? Nó ra đời từ một nét, gọi là nhất họa pháp"
"Nếu họa sĩ
không hiểu được cái lí muôn vật, không nắm được dáng vẻ bên ngoài của những nội
tình tinh tế của sông núi và con người, hoặc bản chất của chim thú cây cỏ, hoặc
bản chất của hồ ao, đình tạ và dinh tháp, ấy là vì chưa nắm được cái nguyên lí
nhất họa pháp nó xuyên suốt mọi vật vậy"
"Phương pháp
được sáng tạo ra cho hội họa, và quá trình sáng tạo ấy làm tan biến các hạn chế.
Khi phương pháp và hạn chế không xâm phạm nhau, ấy là lúc đã được hiểu được
những xoay vần của trời đất. Lúc ấy cái nguyên lí của hội họa mới được phát lộ
và cái nguyên lí của nhất họa pháp mới được thấu hiểu vậy"
"Còn có câu
“Bậc chí nhân không có phương pháp gì”. Nói vậy không có nghĩa là họ không có
phương pháp, mà là họ có cái phương pháp cao nhất, phương pháp của vô phương
pháp"
"Hà cớ gì ta
phải dập khuôn theo cổ nhân? Tại sao ta không nuôi dưỡng phát triển sức mạnh
của riêng mình?"
"Điều quan trọng là ta phải tôn trọng cái
năng khiếu bẩm sinh của mình, không được sao lãng nó. Biết hoặc thấy một bức
tranh trong đầu mà không hóa nó ra thành thật là tự cùm trói mình vậy. Người
bẩm sinh có tài vẽ phải biết trọng cái năng khiếu của mình, giữ gìn nó, củng cố
nó, đừng phung phí nó, mà cũng đừng để nó ngủ vùi trong tâm khảm”
(Trịnh Lữ dịch)
Tương phản
Tương phản là một trong những yếu tố quan trọng nhất của bố cục tranh. Dưới đây là một số loại tương phản được giảng dạy ở trường Bauhaus của Đức từ trước khi thế chiến thế giới thứ 2 nổ ra. Bauhaus là một trong những cái nôi của kiến trúc hiện đại, đồ họa, nghệ thuật trừu tượng.
Phong cảnh Lục Đầu giang
Bức này tôi vẽ bằng mực trên giấy dó
Phú Vạn Kiếp
Sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh
Thầy, Thái Bình hội tụ vào một nơi, gọi là Lục Đầu Giang, linh khí bao trùm cả
một vùng châu thổ.
Ở chỗ thung lũng ba phía núi Rồng bao yểm, hai bên tạo thế rồng chầu hổ
phục, trước là minh đường của Lục Đầu Giang uốn vào, thật là một địa thế trời
cho để dựng nghiệp lớn.
Đức Thánh Trần cách đây gần tám trăm năm ra đời
tại Vạn Kiếp, sau dựng phủ đệ và nơi đóng quân, khi qua đời bảy mươi hai nấm mộ
thật giả rải rác khắp nơi này.
Xưa, hàng trăm anh hùng khắp nơi về đây tụ nghĩa,
làm môn khách dưới trướng của Đại Vương.
Phạm Ngũ Lão một trang hào kiệt văn võ song toàn,
Trần Thì Kiến nổi danh tài hùng biện,
Trương Hán Siêu học vấn cao sâu, mà tài văn chương
ít ai sánh kịp,
Yết Kiêu có biệt tài bơi lặn, mà lòng trung kiên
hậu thế vẫn noi theo,
Những môn khách khác như Dã Tượng, Ngô Sĩ Thường,
Trịnh Dũ, Phạm Lãm, Nguyễn Thế Trực, Nguyễn Địa Lô… đều là những anh hùng cái
thế, công lao trong sử sách vẫn ghi.
Nay, ta đứng trước cổng đền Kiếp Bạc, ngước nhìn
bốn chữ "Hưng Thiên Vô Cực",
ngắm cảnh núi sông hiền hoà trầm mặc mà ẩn tàng sức mạnh bền sâu, nghĩ lại đất
nước trải qua bao phen lầm than bởi bọn ngoại xâm và bè lũ trong nước bạc nhược
nhưng thời nào cũng có hào kiệt đi ra từ nhân dân, từ linh khí non sông, xúc
động nhớ Đại Vương từng nói: "khoan
thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Ta lại nhìn hai vế đối ở hai bên cổng đền của cụ
Vũ Phạm Hàm:
"Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm
khí
Lục Đầu vô thuỷ bất thu
thanh"
nghĩ thế sông núi hiểm trở linh thiêng, anh hùng ẩn phục khắp chốn dân gian,
vậy mà sao cứ phải chịu nghịch cảnh bị o ép?
Những mảng tường nơi cổng đền tróc lở,
những bãi phân trâu ngang ngổn khắp sân đường,
những quán hàng xấp xê ghế bạt,
những tiếng mời chào dai dẳng cuộc mưu sinh.
Tất cả cuốn theo nhịp sống thường ngày, quên rằng:
Nằm sâu dưới sân bê tông là gươm đao và những cánh
tay Sát Thát,
Trong bùn đen vẫn tanh máu giặc Nguyên Mông.
Bến sông đây ba quân reo hùng khí ngất trời,
Bãi lau kia từng vang lời Hịch tướng sĩ:
“Ta thường
tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận
chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi
ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Khi ấy, giặc Mông Cổ làm cỏ một nửa thế giới,
khí hung hăng hòng nuốt chửng Đại Việt ta,
nhưng non sông ta sâu hiểm, nhân tài cái thế,
uy dũng phi phàm vượt khỏi sự nghi ngại tử sinh,
Đại Vương làm yên lòng hoàng đế: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng”.
Đoàn kết nhân dân, đồng lòng tướng sĩ,
phép dụng binh có sẵn chiến lược lâu dài,
quân sĩ hùng hổ giao tranh,
hào khí Đông A ngùn ngụt khắp chiến trường.
Bến Vạn Kiếp,
bản hùng ca dậy chí vạn kiếp người.
Ngẫm vận khí của một quốc gia,
lúc thịnh lúc suy cũng là chuyện dễ hiểu.
Phát triển hùng cường rồi đến kì khủng hoảng,
qua kiếp nạn rồi đến dịp khải hoàn ca.
Nếm mật nằm gai chỉ dài trong mấy khắc,
mà đỉnh vinh quang cũng tựa như lúc ăn một bát phở ngon.
Nhưng cuộc đời cứ âm thầm diễn ra như thế,
lẽ hưng vong tự nhiên mà bại, mà thành.
Vòng quay lịch sử hút chí anh hùng bôn tẩu,
sóng Lục Đầu Giang cuốn những cuộc tỉ thí tang bồng.
Tensho Shubun - Đọc sách trong nhà tre
Tensho Shubun (1414-1463) thiền sư, họa sĩ người Nhật thời kỳ Muromachi. Tranh của ông chịu ảnh hưởng của các họa sĩ Nam Tống Trung Quốc. Dưới đây là bức tranh "Đọc sách trong nhà tre" nổi tiếng của ông.
Tranh của Zeshin Shibata
Zeshin Shibata (1807-1891) xuất hiện trong bối cảnh
nước Nhật giao thời giữa giai đoạn Edo và Minh Trị nên tranh của ông có nét
khác thường khi so sánh với các họa sĩ cổ điển khác cũng như với các họa sĩ
hiện đại sau này (bị ảnh hưởng hội họa phương Tây). Xét về vai trò lịch sử, ông là một họa sĩ tiên phong đổi mới trong thời kì Minh Trị duy tân, một nhân
vật có một không hai trong lịch sử hội họa Nhật Bản. Zeshin xuất thân trong một
gia đình nghệ sĩ, bố là một nhà điêu khắc, nên bác ta có dịp tiếp xúc với nhiều
loại hình nghệ thuật tạo hình truyền thống từ nhỏ.
Bức “Thác nước”
Gọi là thác nước mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ
thấy những tảng đã lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài
nét mờ thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không
có vai trò gì). Bức tranh tự nó đã giải thoát khỏi những khái niệm ngôn ngữ
thông thường, ngôn từ không thể nào cản nổi sự vi diệu đang lan tỏa trong nó.
Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá mà ta cảm
nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở
luồn qua những khe đá.
Bức “Quả hồng và
những con kiến”
Nếu như nhìn vào tên của bức tranh (“Quả hồng và những
con kiến”) thì ta sẽ thấy hình ảnh của quả hồng và những con kiến nhưng khi
nhìn kĩ ta thấy hình tròn màu đỏ được vẽ đều, không gợi khối nên nó bật ra khỏi
màu đen, tạo ra hình ảnh mặt trời ở phía xa. Không nghi ngờ gì nữa, Zeshin vẽ
quả hồng mà kết quả tạo thành là một cái khác. Khái niệm “quả hồng” trong cấu
trúc nhận thức bị phá vỡ!
Bức “Cảnh biển”
Zeshin vẽ núi ở gần có đầy đủ sắc độ đường nét nhưng
cây cổ thụ thì được diễn tả chỉ bằng một sắc độ mực đậm đồng đều. Cách thể hiện
như vậy gợi lên trong chúng ta cảnh hoàng hôn mùa thu, và hướng nhìn của tác
giả từ dưới nhìn lên bầu trời. Nhưng…Ô hay, sao lại có cái thuyền ở trên bầu
trời thế này? Ồ không, đó không phải là bầu trời mà là biến, bức tranh tên là
“cảnh biển” mà! Thì ra biển và trời hòa vào nhau không thể nào phân biệt được.
Người thì bảo đó là trời, kẻ thì bảo là biển, vậy mà nó chẳng phải là biển,
cũng không phải là trời. Nó chỉ là cái tâm giả của ta mà thôi.
Bức “Phong cảnh”
Chỉ cần vài nét vẽ mà Shibata gợi lên được hình ảnh
những đỉnh núi mây và tuyết phủ trắng, một rừng cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc
trong buổi sáng mùa xuân. Rõ ràng, họa sĩ khi vẽ phải ở một trạng thái tĩnh tâm
hoàn toàn.
Thủ pháp láy trong bố cục
Láy trong hội hoạ là
một thủ pháp dùng các hình thể, màu sắc, bút pháp… gần giống nhau để tạo cấu
trúc liên kết thành một tổng thể chặt chẽ nhưng biến chuyển sắc thái tinh tế. Nếu
như Thông suốt chủ yếu dụng vào tinh thần của bức vẽ thì Láy dụng vào kỹ thuật
thể hiện. Láy cũng là một cách truy tìm dấu vết trên tranh.
Ví dụ bức “Buổi
sáng mùa xuân” của Quách Hy
Chúng ta thấy những
hình cây trong tranh khá đồng dạng với nhau, rồi những vân núi uốn chuyển cũng
tương thích với hình vặn vẹo của cây. Những khối núi với những hình thể được
đánh bóng uốn éo cũng gợi lên những âm láy như một bài thơ Đường.
Còn đây, trong bức
tranh khắc gỗ “Bãi biển Tanogura” của Hokusai chúng ta lại thấy có sự láy
giữa hình ngọn núi Phú Sĩ với chiếc thuyền, giữa hình mây và bãi biển.
Ở tác phẩm “Giấc
mơ” dưới đây, Klimt lại dùng thủ pháp láy bằng cách dùng những đường
cong khá giống nhau để tả tóc và áo của cô gái.
Đột biến trong bố cục tranh
Trong khi ta vẽ có thể sẽ
xuất hiện một sự thay đổi khác hẳn với suy tính ban đầu về bố cục và tư tưởng. Sự
đột biến trong bố cục tạo ra một cảm giác hết sức sảng khoái vì nó cho ta thấy
rằng không có một quy tắc nào về bố cục; sự đối lập hay chuyển hóa giữa các
thành tố sẽ không còn ý nghĩa. Và tác phẩm lại tràn đầy hưng phấn, thoát ly
khỏi suy tính lý trí ban đầu.
Ví dụ về bức “Trúc”
của Ngô Trấn. Sau khi vẽ xong cành trúc trước gió rất sống động, tác giả viết
một bài đề khá dài ở bên trái, phá tan bố cục trung tâm của cành trúc. Tác phẩm
trở nên hết sức thú vị.
Còn dưới đây là tác
phẩm “Cổng
mây” của Anish Kapoor được đặt tại Công viên Millennium ở Chicago. Hãy
nhìn xem, giữa một không gian đô thị khô cứng với các khối hộp xuất hiện một
khối hình kì dị, phản xạ không gian kiến trúc méo mó bằng lớp kim loại sáng
trên bề mặt. Tác phẩm điêu khắc này không đơn thuần chỉ là ý tưởng nghệ thuật
mang hơi hướng giải cấu mà còn có giá trị nhân bản, nó gây cảm hứng thú vị cho
con người trong không gian đô thị cứng nhắc. Cấu trúc vững chắc của những khối
nhà vuông vắn đã bị phá vỡ.
Ở tác phẩm “Đường
cong chủ đạo” của Kandinsky ta thấy có nhiều yếu tố đột biến trong nó. Hình
chữ nhật ở bên trái, ba hình tròn ở bên phải, một đường cong kì dị ở trung tâm,
một màu đen nổi bật trên một tông màu khá hài hòa, rồi hình bậc thang tưởng như
chẳng ăn nhập gì với bố cục. Tất cả đều mang một khát khao đột biến, có lẽ đó
chính là cái làm nên sự liên kết trong bức tranh.
Chuyển hóa trong bố cục tranh
Khi xét đến bố cục của bức tranh ta xét tới những cặp
tương tác sau: sáng - tối, tập trung - phân tán, chính - phụ, xa - gần, tĩnh
tại - chuyển động, hài hòa - đột biến, nhịp điệu - rời rạc, tương hỗ - đối chọi...
Cấu trúc tương tác giữa các thành tố đối lập đó là sự chuyển hóa cho nhau để
xác định lẫn nhau. Có thể sẽ xuất hiện thành tố thứ ba làm trung gian để chuyển
hóa những thành tố đối lập hoặc có thể không cần, bởi cái vắng mặt cũng có thể
làm sự trung gian. Khi sự đối lập được xác định thì ngay lập tức có sự chuyển
hóa.
Tôi lấy bức tranh “Đỏ vàng lam” của Kandinsky để làm
ví dụ về sự chuyển hóa.
Ở đây ta thấy Kandinsky dung màu hồng đậm để chuyển từ
lam sang đỏ, màu cam để chuyển từ đỏ sang vàng, dùng cung tròn và đường ngoằn
ngoèo để chuyển hình tròn sang vuông và tam giác; ông cũng dùng sự tương tác
giữa những đường tròn để chuyển hóa sự rời rạc sang tập trung, dùng màu đen để
kết nối tất cả các màu. Nếu như ta che một nửa bức tranh để chỉ nhìn một nửa của
nó thì thấy rằng màu vàng sẽ không rực rỡ, màu lam sẽ không bí ẩn bằng như khi
ngắm toàn bộ bức tranh. Tức là tính chất của màu sắc phụ thuộc vào sự tương tác
của nó với các màu khác chứ nó không hề có tự tính nào.
Ngoài sự chuyển hóa về cấu trúc bố cục trong bức tranh
ta cũng phải chú ý tới sự chuyển hóa về cấu trúc tư tưởng trong bức tranh. Đó
là sự chuyển hóa về không gian, thời gian, lich sử, khái niệm ngôn ngữ... Ví dụ
bức "Mùa
xuân trên sông Mẫn" của Thạnh Đào
Tuy không khí se lạnh
của sương mù trên sông bao trùm trong toàn bộ bức tranh nhưng cây lá vẫn tiềm
ẩn sự sống mãnh liệt, đường nét của núi trập trùng khỏe khoắn. Bức tranh tuy vẽ
cảnh mùa xuân nhưng núi vẫn còn dáng dấp trơ trụi của mùa đông, và sông vẫn đầy
sương mù lạnh giá. Tác giả đã thành công khi tả chuyển mùa trên sông Min.
Ở bức tranh “Guernica”
của Picasso ta thấy ngay sự chuyển hóa về sắc độ sáng tối, giữa những đưởng
thẳng rõ ràng và những nét mô tả nhân vật. Nhưng cái đáng chú ý nhất ở bức
tranh là sự chuyển hóa về chuyển động của các nhân vật.
Hoàng Công Vọng - Cảnh sông núi Phú Xuân
Hoàng Công Vọng (1269-1354) có lối vẽ phong cảnh ấn tượng, ảnh hưởng rất lớn tới các họa sĩ thời Minh, Thanh sau này như Vương Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Huy, Vương Nguyên Kỳ, thậm chí cả Thẩm Chu, Văn Trưng Minh. Bức "Phú Xuân sơn cư đồ" được coi là một trong 10 bức tranh phong cảnh đẹp nhất trong lịch sử hội họa Trung Hoa.
Lưu Tùng Niên - Phong cảnh
Lưu Tùng Niên (1180-1220) là một trong những họa sĩ xuất sắc nhất thời Nam Tống, có cách vẽ thiên về tả thực, đặc biệt ông miêu tả phong cảnh bằng đường nét và sắc độ tinh tế, ảnh hưởng lớn tới các họa sĩ thời Minh nổi tiếng sau này như Đường Dần, Cừu Anh,... Bản thân Lưu Tùng Niên lại chịu ảnh hưởng từ họa sĩ Lý Tư Huấn (651-716). Dưới đây là bộ tứ bình vẽ phong cảnh của ông.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)