19/9/12

Paul Wood - Di sản nghệ thuật Khái niệm


Những kĩ thuật và chiến lược đa dạng gắn liền với nghệ thuật Khái niệm đã toả khắp nghệ thuật đương đại. Sự sử dụng ngôn ngữ của Jenny Holzer là một cách. Việc bình phẩm tính nguyên gốc qua nhiếp ảnh của Sherrie Levine là một cách khác. Lối vận dụng tính bản sắc của Cindy Sherman là một cách khác nữa. Không thể hình dung được kiểu áp dụng văn bản và ảnh chụp của Barbara Kruger nếu không có nghệ thuật Khái niệm v.v…
Laments, Jenny Holzer, 1989

Nhiều hoạ sĩ có tác phẩm mang một chính kiến về tính khác biệt. Nhiều hoạ sĩ khác có tác phẩm tập trung vào việc tạo ra các ý nghĩa xã hội và định chế. Hai tuyến phát triển ấy hợp lại phản ánh tính lịch sử của cả thực chất lẫn sự tuyên xưng tự quản của lí thuyết hiện đại, không kém bao hàm hơn chủ nghĩa hiện đại tự nó, một khi đã chuyển giao cái tinh thần hàn lâm cho lịch sử (dù rằng như cái bóng ma chủ nghĩa cổ điển tiếp tục ám ảnh trào lưu hiện đại, cái bóng ma giá trị mĩ học cũng có mặt trong bữa tiệc chủ nghĩa hậu hiện đại). Tuy nhiên, có lẽ sẽ không thích hợp khi kết thúc quyển sách [Conceptual Art] này với ngụ ý: di sản chủ yếu của trào lưu Khái Niệm trực thuộc cái tính phải đạo chính trị, mà về mặt đạo lí, quá đỗi an toàn và không chút hài hước. Mặt khác, cũng không nên tán dương cái giá trị bề mặt mà quả quyết rằng: "Chủ nghĩa Khái niệm đã thấm toả khắp nơi nếu không nói là chế ngự thế giới nghệ thuật". Có thể, trong một chiều hướng, nó có thực hiện điều ấy. Năm 2000, khi trả lời thái độ phê phán không thấu ý của báo chí về tác phẩm của mình, Damien Hirst đưa ra nhận xét: "Tôi không nghĩ bàn tay của nhà nghệ sĩ là quan trọng ở bất cứ mức độ nào, bởi vì bạn đang tìm cách truyền đạt một ý niệm". "Ý niệm", hơn là vật thể thủ công, đã trở thành bản vị chung của nghệ thuật quốc tế đương đại. Nhưng quan hệ của nghệ thuật với bối cảnh định chế của nó thì vững hơn nhiều so với cái của nghệ thuật Khái niệm khi nó xuất hiện. Nhưng các định chế bảo tàng lớn như Tate Modern, Guggenheim Bilbao, Temporary Contemporary, và những cái tương tự, là những công trình nơi nghệ thuật đương đại giữ vai trò trong văn hoá nói chung. Nhà phê bình và truyền phát thông tin Matthew Collings xác định giới hạn của cái tính cách đúng thời trang này khi ông thừa nhận rằng "những ý niệm thì chưa bao giờ quan trọng hoặc thậm chí thực sự là ý niệm hơn những vật thông dụng, chẳng hạn những vật dụng may vá trong quảng cáo". Colling thích và hâm mộ nghệ thuật đương đại, bởi như ông nói "nó chính là cuộc sống hôm nay", một cuộc sống tất bật với những vấn đề như: "Liệu có thể thành công hay không? Liệu sẽ thất bại? Liệu sẽ được giá cao? Liệu sẽ được xuất hiện trên truyền hình?". Tình yêu của Colling về những thứ thường tình đương thời, về nghệ thuật như sự tương đương thị giác của nhạc pop, là mặt trái (và dễ chung sống hơn nhiều) của cái tính phải đạo chính trị mang bộ mặt tháu cáy. Nhưng vấn đề là cả hai đều chẳng liên quan gì nhiều đến tinh thần sản sinh nghệ thuật Khái niệm. Như Bruce Nauman thừa nhận, chẳng có gì rõ để làm; và như Art & Language tuyên bố, chẳng có gì rõ về địa vị của cái thành quả mang lại.

Từ đầu quyển sách này, tôi biện luận rằng rất quan trọng để phân biệt những ý nghĩa biến thể khác nhau của thuật ngữ then chốt "khái niệm" của chúng ta. Đã có một cái nghĩa tiền phong/Fluxus về thuật ngữ, đề xuất một phạm vi hoạt động không riêng biệt về phương tiện truyền đạt, nói rộng ra, phù hợp với các ý niệm về một tính sáng tạo phổ biến của con người, và về thế giới nói chung như chốn thích hợp cho hoạt động nghệ thuật, hơn là về một phương thức thực hành mĩ học chuyên biệt. Rồi có một "nghệ thuật Khái niệm" tự giác và được lí thuyết hoá một cách nghiêm ngặt hơn, xuất hiện vào hậu kì thập niên 60. Lúc đầu là một khảo sát có tính phê phán về nghệ thuật hiện đại cũng như nghệ thuật tiền phong, và ở những năm 70 tiến đến một phương thức thực hành có tính phê phán chính trị dựa trên một phạm vi biểu trưng khoáng đạt. Kiểu nghệ thuật Khái niệm này tự nó hợp nhất những tuyến phát triển khác nhau, một số có tính phân tích cao và dựa trên ngôn ngữ, số khác gần với hoạt động Fluxus trong sự thu hợp những yếu tố trình diễn của nhóm này. Hai khía cạnh ấy tượng trưng cho mối quan tâm, lần lượt, về tâm trí và thân thể. Bởi nhiều lí do, mà trong đó sự thăng tiến của chủ nghĩa nữ quyền là không kém quan trọng, phần tư cuối thế kỉ 20 chứng kiến một sự dời chuyển mối quan tâm từ phần việc của nghệ sĩ sang thân thể họ. Cùng lúc, có thể bỏ qua sự phê bình duy lí và sự phân tích nhằm kềm toả thứ chủ nghĩa vị đàn ông hết sức lỗi thời. Nối kết với quan điểm chính trị giai cấp cánh tả, tuyến phát triển phân tích của nghệ thuật Khái niệm bị che khuất bởi sự đâm chồi nẩy nhánh của những hoạt động liên hệ với nghệ thuật trình diễn (thường kèm theo kĩ thuật video hoặc sắp đặt) và thường được trình bày dưới một quan điểm chính trị về bản sắc. Sự dời chuyển này là nguyên do xuất hiện của ý niệm "chủ nghĩa khái niệm" đương lưu hành, để phản ánh các phạm vi hoạt động dựa trên vật thể, video, trình diễn, và sắp đặt đang chế ngự hiện trường nghệ thuật quốc tế. "Chủ nghĩa khái niệm", theo nghĩa này, thì thực sự đồng nghĩa với "chủ nghĩa hậu hiện đại". Biên bờ giữa các hình thái hoạt động khác nhau ấy mờ nhạt, và có lẽ là một sai lầm khi hiệu lực hoá mạnh và nhanh những khác biệt hoặc định nghĩa. Cuối cùng, người ta có thể dễ lâm vào một tình trạng nực cười khi cố gắng áp dụng một cuộc xét nghiệm chất litmus để khám phá liệu nghệ sĩ X hoặc tác phẩm nghệ thuật X đủ hay không đủ tư cách thường trú cho cái hộ khẩu "Khái niệm". Nói thế, nhưng một số phân biệt, dù chỉ có tính cách tạm thời, là thích đáng, bởi nguời ta sợ rằng mọi thứ rồi sẽ lún trong một bãi lầy, nơi không thể phân biệt hay định giá những phương thức thực hành thú vị, có tính phê phán, và có thể dám nói, có tính tiến bộ, với những cái vô nghĩa trống rỗng, mê huyễn, hoặc tự quảng cáo.

Ở bất cứ thời điểm nào, phần lớn nghệ thuật đã được thực hiện thì không thú vị lắm. Điều này thực cho nghệ thuật Khái niệm cũng như cho chủ nghĩa hậu hiện đại đương đại, hoặc nghệ thuật hàn lâm. Trong quá khứ, sự hao phí (wastage) tự nhiên đã chiếu cố điều này. Nhưng khi cái tính định chế của nghệ thuật trở thành lạm phát ở xã hội Phương Tây hiện đại, và khi sự đầu tư cho nó - về văn hoá và trực tiếp cả về tài chính - nhân lên, thì nó ngày càng khó chứng tỏ khi nào thì Hoàng Đế sẽ khoác áo bào mới. Điểm mạnh nhất của nghệ thuật Khái niệm là nó đã, có lẽ một cách ngắn ngủi, là một giai đoạn phản đối lại các khuynh hướng này. Một số nghệ sĩ, với tư cách nghệ sĩ, nhận trách nhiệm xét nghiệm lại cái mà nghệ thuật và định chế đã là trong quá khứ, và cái mà vai trò của nó đảm đương trong xã hội hiện đại. Tôi thấy rất sai lầm khi dồn thành một phương thức phê phán này với chủ nghĩa chiết trung vốn là đặc trưng nổi bật nhất của nghệ thuật thời chuyển thiên kỉ 20-21. Về một số khía cạnh, nghệ thuật Khái niệm có thể là nguyên nhân của điều này, vì đã tháo rỡ những hàng rào về phương tiện truyền đạt, mà ở ngoài chúng, nghệ thuật đuợc xem là có khả năng thực hiện. Nhưng trong những chiều hướng khác thì không vậy. Tôi đã đề cập đến ảnh hưởng mà lí thuyết của T. S. Kuhn về những cuộc cách mạng về hệ chuẩn (paradigm revolutions) đã tác động lên sự phát triển của nghệ thuật Khái niệm. Kuhn biện luận rằng khoa học phần lớn tiến triển một cách tích tụ, cho đến khi những sự không chuẩn tắc kết tập, rồi toàn bộ cơ cấu bị lung lay và một thời kì chuẩn tắc mới bắt đầu. Tích cực hay tiêu cực, đặc tính nổi bật nhất của phần lớn nghệ thuật ứng dụng dưới thuật ngữ "chủ nghĩa khái niệm" là ở sự thể, để có một cách nói, nó là "khoa học chuẩn tắc". Đây là hiện tình của sự việc, y như nghệ thuật hàn lâm đã là ở giữa thế kỉ 19, và y như chủ nghĩa hiện đại đã là ở giữa thế kỉ 20.

Bỏ qua tính cường điệu và không tưởng, có một ý nghĩa theo đó nghệ thuật Khái niệm đã là một hình thái hoạt động du kích chống lại những thế lực tồn tại qua cái khuôn của chủ nghĩa hiện đại đã định chế hoá trên thương trường và cả trong các trường học, nơi nghệ thuật được giảng dạy và tái sản xuất. Mel Ramsden từng nhận xét rằng nghệ thuật Khái niệm ít liên quan đến việc viết lên tường hơn là đến một tinh thần hoài nghi và mai mỉa. Nếu "chủ nghĩa khái niệm" đã trở thành nguyên trạng của một thế giới nghệ thuật đương đại đại ngôn, thì có thể cho rằng nó ít chia sẻ với tinh thần lịch sử của nghệ thuật Khái niệm hơn là với tính hàn lâm hiện đại mà những nghệ sĩ ấy giữ khoảng cách. Hiện nay, trong một thời kì "toàn cầu hoá" lan toả, chúng ta hình như luôn nghe thấy là "giờ đây chúng ta, tất cả, đều là những nhà tư bản" - tự do, dĩ nhiên. Vì lẽ ấy, chúng ta, tất cả, về văn hoá được cho là những nhà hậu hiện đại. Khép lại câu chuyên ngụ ngôn Animal Farm (1945) về cuộc cách mạng bị vỡ mộng của George Orwell, những con vật nhìn qua các khoang cửa sổ của ngôi nhà nơi các nhà lãnh đạo của chúng, những con heo, đang dùng cơm cùng bàn với những nhà nông nguời:
Khi các con vật bên ngoài nhìn vào cảnh tượng, chúng thấy hình như có gì là lạ đang xảy ra. Lẽ nào là cái đã đổi thay trên các bộ mặt, lẽ nào là cái dường như đang tan và chuyển? Cái đã xy ra, không là vấn đề lúc này. Những sinh vật bên ngoài nhòm từ heo đến người, rồi từ người đến heo, rồi lại từ heo đến người; nhưng đã chẳng thể nói gì là gì mất rồi.

Không nghi ngờ gì, việc phê bình nghệ thuật vẫn tiếp tục. Nhưng chỉ trong cái nghĩa của Orwell ta có thể cho rằng "giờ đây chúng ta, tất cả, đều là những nhà khái niệm".


Nguồn: Trích: "Conceptual Art", Paul Wood, Tate Gallery Publishing Ltd., 2002. Vũ Ngọc Thăng dịch

Quách Hy - Buổi sáng mùa xuân


Quách Hy (1020-1090) là họa sĩ vẽ phong cảnh nổi tiếng thời Bắc Tống ở Trung Hoa. Tác phẩm của ông còn lại không nhiều, trong đó bức tranh Buổi sáng mùa xuân là nổi tiếng nhất. Quách Hy vờn đậm nhạt rất ngọt ngào êm ái và dùng mảng mực để tả lớp cảnh gần xa, có lẽ do ảnh hưởng ít nhiều từ Lý Thành (916-967). Ta cũng thấy phong cách tả đậm nhạt theo kiểu “mực mảng” này sẽ ảnh hưởng đến Hạ Khuê và Mã Viễn, những họa sĩ mà giới phê bình gọi là nam phái. Nhưng điều thú vị nhất trong bức tranh này chính là những đường nét cong xoáy kì lạ của núi và cây. Những mảng núi gần xa, ẩn hiện, uyển chuyển nhưng mạnh mẽ quả thật tạo cảm xúc rất mạnh mẽ tới thị giác người xem. Chắc chắn lối vẽ này đã ảnh hưởng đến nhiều họa sĩ sau này như Thẩm Chu, Cừu Anh. 


Thập mục ngưu đồ

Nguyên tác thơ: Thiền sư Khuếch Am
Dịch: Hòa thượng Thích Thanh Từ
Tranh: Một Danna



Tìm trâu
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu




Thấy dấu

Ven rừng bến nước dấu liên hồi
Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
Ví phải non sâu lại sâu thẳm
Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi.




Thấy trâu

Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
Chỉ thế không nơi xoay trở lại
Đầu sừng rành rõ vẽ khôn thành




Bắt trâu

Dùng hết thần công bắt được y
Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
Lại xuống khói mây mãi nằm ì




Chăn trâu

Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
Ngại y chạy sổng vào bụi trần
Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
Dây mũi buông rồi vẫn theo gần




Cưỡi trâu về nhà

Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
Một nhịp một ca vô hạn ý
Tri âm nào phải động môi à




Quên trâu còn người

Cưỡi trâu về thẳng đến gia san
Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng




Người, trâu đều quên

Roi gậy, người trâu thảy đều không
Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
Đến đó mới hay hiệp Tổ Tông




Trở về nguồn cội

Phản bản hoàn nguyên đã phí công
Đâu bằng thẳng đó tợ mù câm
Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
Nước tự mênh mông hoa tự hồng




Thõng tay vào chợ

Chân trần bày ngực thẳng vào thành
Tô đất trét bùn nụ cười thanh
Bí quyết thần tiên đâu cần đến
Cây khô cũng khiến nở hoa lành



Hakuin Ekaku - Chân dung Bồ Đề Đạt Ma

Hakuin Ekaku (1689-1796) là thiền sư, họa sĩ nổi tiếng của Nhật. Bức chân dung sư tổ Bồ Đề Đạt Ma dưới đây có thể coi là một trong những bức vẽ hay nhất trong lịch sử về vị tổ sư thiền.




Tranh của Cao Hành Kiện

Dưới đây là một số bố cục trừu tượng, chất liệu mực và giấy của Cao Hành Kiện

























Cao Hành Kiện - Nghĩ về hội họa

Cao Hành Kiện sinh năm 1940 tại Giang Tây, Trung Quốc. Năm 1988 sống lưu vong ở Pháp và trở thành công dân Pháp. Ngoài tài năng viết văn được cả thế giới công nhận với giải Nobel văn học năm 2000 ông còn là một họa sĩ tranh thủy mặc với bút pháp độc đáo. Dưới đây là bài viết của ông về hội họa, Nguyễn Tiến Văn dịch sang tiếng Việt.


Tiếp sau sự thực hiện những khả tính của hội hoạ do Picasso và Kandinsky, hội hoạ trừu tượng đã sa lầy trong gần một thế kỉ. Như vậy, vấn đề nảy sinh là, lãnh vực hội hoạ khả dĩ sản sinh thêm gì nữa? Tiếp sau sự choán chỗ của hội hoạ bằng cắt dán, sắc màu, chất liệu, kĩ thuật nhiếp ảnh, đồ hoạ điện toán, kĩ thuật quang điện (photoelectric techniques), văn bản, và ngay cả trò chơi khái niệm (conceptual games), chúng ta hiện còn có thể tiếp tục vẽ nữa không? Ngày nay, hội hoạ đã xoay đủ trọn vòng và về lại hội hoạ hình dung. Giáp mặt trực diện với những thế hệ trước qua suốt lịch sử của nó, hội hoạ ngày nay có thể nào xúc tiến những hành xử mới nào chăng?

Có thể nào hội hoạ thoát khỏi những giới hạn của hai chiều kích mà vẫn còn là hội hoạ? Hoặc có thể chúng ta nên hỏi: dù không lìa bỏ mặt phẳng, hội hoạ có thể nào tìm thấy được những khả tính mới gói trong những giới hạn này? Thêm nữa, bên trong những hạn chế của hai chiều kích, ngoài những điểm, đường, trường, màu, sáng tối và bài trí, còn có những phương pháp nào sót lại? Hoặc, để đẩy câu hỏi xa hơn nữa: nếu những phương pháp đang hiện hành với chúng ta bị phế bỏ, hội hoạ có thể nào còn được xem là hội hoạ? Dấn thêm một bước nữa, còn có thể hỏi, sau khi tất cả những phương pháp này đã lấy đi, những chất liệu hay sắc màu lập thành một mặt phẳng bình thường tự thân có thể coi là hội hoạ? Hoặc có thể nếu những động tác được hành xử vào mặt phẳng này, chẳng hạn tạo một vết xước với con dao, xé hoặc đốt, hoặc lấy thân thể mình lăn trên đó, hoặc để một con ốc sên quến trên đó... có thể nào những cái này coi là những phương pháp của hội hoạ?

Có lẽ nào chăng sự thường xuyên xiển dương tính cách mạng hoặc cải cách của "chủ nghĩa hiện đại" trong thế kỉ vừa qua sẽ bó buộc dẫn tới sự chối bỏ nghệ thuật này? Chính xác ra, "chủ nghĩa hiện đại" là gì? Nó có những hàm nghĩa lịch sử xác định nào? Hay siêu thoát thời đại hoặc khoảnh khắc là nền tảng đơn độc và duy nhất trên đó giá trị của nghệ thuật được phán đoán? Hội hoạ tìm cách biểu tỏ gì, và hội hoạ là gì? Ý nghĩa của nó nằm trong tự thân hành vi vẽ, hoặc trong biểu hiện của nó? Những câu hỏi đó làm tôi hoang mang. Không có được những giải đáp, tôi chỉ còn quay về với những mặt phẳng hai chiều kích và những vật liệu truyền thống là giấy rơm, cọ, và mực. Và khi làm như thế, tôi đã khám phá ra rằng vẽ với những chất liệu này giữ những lạc thú khôn cùng. Thêm nữa, tôi ý thức rằng nó tương tự như viết, là nơi ngay cả ngày nay khi sử dụng tiếng nói của tiền bối, chúng ta vẫn có thể nói lên tâm hồn mình và xúc tiến để nói những điều mới. Lẽ tự nhiên, chúng ta vẫn có thể xúc tiến những bức tranh mới cùng với những dụng cụ như xưa - vấn đề duy nhất là bằng cách nào người hoạ sĩ tự thân làm quen lại với những kĩ thuật đã được loài người dùng lại kể từ khởi thuỷ của hội hoạ trong văn minh. Có hai cách để tạo tranh trên bề mặt hai chiều kích. Một là không gian thực tế, chẳng hạn như phối cảnh thẳng hàng, để tạo ảo giác về chiều kích thứ ba. Cách thứ hai là thừa nhận mặt phẳng của hội hoạ, nhấn mạnh những phẩm tính của hội hoạ, và vẽ trực tiếp trên bề mặt. Cả hai lối xúc tiến này tuyên xưng lịch sử và truyền thống của chúng ở phương Ðông và phương Tây. Tuy nhiên, phương Ðông và phương Tây dường như đã chuyển đổi vai trò và đi theo những ngả đường đối nghịch trong hội hoạ hiện đại. Kể từ Cézanne, những cố gắng của các hoạ sĩ phương Tây đã quay về với tính chất mặt phẳng của hội hoạ, trong khi những hoạ sĩ ở phương Ðông đã tìm kiếm chiều sâu trên bề mặt phẳng. Mỗi hoạ sĩ thành đạt có thể nói rằng đã tìm ra một cách giải quyết nhất định, trong khi mỗi hoạ sĩ muốn ghi dấu sáng tạo trên hội hoạ phải đối đầu chính xác với một vấn nạn như thế.

Ðối với hoạ sĩ, không gian này không phải là sự suy tư; đúng hơn mỗi người phải chính xác phản ánh cách xử lí không gian của mình trên vải bố hoặc trên giấy. Thách thức này là đường phân cách rốt ráo giữa minh triết và khéo tay. Sự kiện nghệ thuật khác hẳn với chuyện tào lao được minh chứng trên bề mặt của một bức tranh. Những nghệ sĩ hiện đại đã tìm ra một số cách để đương đầu với vấn đề này, chẳng hạn như Picasso thì phân chia những khối lập phương thành những mặt phẳng, Cézanne thì loại trừ chiều sâu, Matisse thì sử dụng những tương phản về màu sắc mạnh, Kandinsky thì lồng những đường nét với nhau và bài liệt những không gian thực với những không gian hư tưởng. Triệu Vô-cực (Zao Wou-ki) dù vốn là người gốc phương Ðông, lại hoàn toàn đối nghịch - chồng từng lớp từng lớp màu mỏng để đi tìm một chiều sâu không thấy trong hội hoạ truyền thống phương Ðông. Cái gọi là ngôn ngữ hội hoạ phải được biểu hiện bằng một loại hình phương pháp nào đó; bằng không, đối với hoạ sĩ chẳng có gì ngoài chuyện tào lao. Riêng đối với tranh của tôi, tự nhiên tôi cũng có ý hướng tìm ra giải pháp của mình. Có lẽ, bởi dù sao tôi vẫn còn là người Trung quốc, tôi quen với sự biểu hiện tự do trên bề mặt hai chiều kích trong hội hoạ truyền thống Trung quốc, trong khi chiều sâu củahội hoạ phương Tây vẫn luôn luôn đặc biệt hấp dẫn đối với tôi. Do đó, ngay cả khi tôi đang sử dụng mực để tự do biểu hiện tôi vẫn tìm kiếm chiều sâu không gian này, dẫu là một chiều sâu khác với phối cảnh của phương Tây. Có một thành tố của lí thuyết hội hoạ Trung quốc hiện đại gọi là "phép phối cảnh tán điểm" (diffuse point perspective), nó vay mượn lí thuyết hội hoạ của phương Tây để thông giải hội hoạ truyền thống của Trung quốc - một điều tự nhiên có ý nghĩa.

Bằng cách khởi đi từ lối vẽ phóng tay của hội hoạ truyền thống Trung quốc và nhằm đạt được một chiều sâu không gian, tôi không đến từ sự quan sát về chiều sâu thực sự của dã ngoại (depth of field), mà đúng hơn một chiều sâu được thị kiến từ nội tâm; nó dường như có một xúc cảm về phối cảnh nhưng không hoà hài với luật phối cảnh có một tụ điểm, và nó cũng không phải là đa tụ điểm(poli-focal). Khi một người duy trì một thị kiến nội tâm nào đó, người đó thấy ra rằng cái gọi là "khoảng cách" kia biến động và bồng bềnh, gần như một máy hình chụp trong bóng tối mà thấu kính có tụ điểm tự động thụt vào và nhô ra trong một cung cách giật loạt. Ðây chỉ là một sự so sánh đơn giản thôi như khi ta nhắm mắt và nhìn những hình ảnh của tâm trí từng lúc xuất hiện, chúng có đó trước mắt ta nhưng không có một khoảng cách nào rõ rệt - không tuân theo luật về vật nhỏ thì ở xa hơn và vật lớn thì ở gần hơn. Làm sao chụp bắt những thị kiến nội tâm đó trong tranh, mà vẫn không phải viện dẫn tới luật phối cảnh nghiêm nhặt, là sự thách thức mà tôi tìm cách giải quyết.

Cho những mục tiêu hiện thời, tôi sẽ gọi cái xúc cảm về chiều sâu trong những thị kiến nội tâm này là "giả phối cảnh", và xử lí những thị kiến nội tâm này như những bình diện khác nhau và những góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, tôi sẽ đặt chúng trong cái tưởng chừng giống như cùng không gian, sử dụng những bình diện không gian khác nhau để tạo một xúc cảm về phối cảnh và bố cục một bức tranh toàn thể (hơn là những bộ phận riêng biệt). Ðây là một không gian được thai nghén cách phóng túng tuỳ theo khoảnh khoắc; không lệ thuộc những quy luật của phối cảnh, không có một tụ điểm nào khác hoặc tụ điểm tán biệt (diffuse focus) đặc thù nào - tuy vậy vẫn tạo một chiều sâu dã ngoại như thể được chụp bằng một máy ảnh thực thụ. Tuy nhiên, thay vì các vật thể hoặc cảnh tượng đó là những cái bóng được mô tả - chúng tự bộc lộ trong tâm trí ở những nơi chốn không ngờ. Mặc dù xúc cảm chạm tới được mà chúng có là hư ảo, những thị kiến như thế dứt khoát có thể đạt tới được. Tất cả những gì hội hoạ nhằm thực hiện là biến hạt giống của những thị kiến này thành tranh.

Dù cho những thị kiến này đôi khi có màu sắc, bởi chúng loé lên trong khoảnh khắc khó mà nắm bắt, khiến chúng mờ tối. Ðó là lí do biểu hiện chúng bằng mực thì gần hơn, và đó là lí do tôi chỉ sử dụng mực đơn sắc và không dùng các màu.

Tôi bắt đầu vẽ tranh trừu tượng bằng mực, bởi việc dùng cọ và tán mực trên giấy rơm trong hội hoạ bằng mực của Trung quốc có một lí thú và quan tâm rõ rệt. Những tranh thuỷ mặc trừu tượng đầu tiên của tôi tới từ Thiền hoạ, nơi tôi tìm kiếm không phải là những hình ảnh mà là những trạng thái tâm thức. Những nghiên cứu của Kandinsky về điểm, trường, và tuyến không có nghĩa là tách lìa dạng thức thuần tuý của hàm ý, vốn có những tương đồng với tinh thần được tìm kiếm trong tranh thuỷ mặc Trung quốc truyền thống. Ở đó, những nét cọ và những dấu mực không phải chỉ có ý tạo hình mà những hàm ý của chúng cũng quan trọng không kém. Những tranh trừu tượng thuỷ mặc của tôi không chỉ tẩm đẫm với một loại hình thức nhất định, mà đồng thời còn có ý hướng để những nét cọ và những dấu mực chuyên chở xúc cảm và hàm ý.

Dần dà tôi nhận thức ra rằng đường phân li giữa cái trừu tượng và cái hình dung không nhất thiết là tách bạch và khô cằn, và đối với tôi một con đường phân li như thế càng ngày càng không cần thiết. Do đó, một số người thấy những hình dung trong những tác phẩm của tôi, trong khi những người khác lại thấy sự trừu tượng; nó vừa là hình ảnh vừa là hình thức. Ðó là cái phẩm tính của hội hoạ mà tôi cố gắng đạt tới - chứa trong cọ và mực nhưng cũng hiện hữu ngoài chúng. Ðiểm, tuyến, và trường, phải chứa xúc cảm của cọ và mực, và tự thân chúng phải tạo nên tranh. Vậy nên, đối với tôi con đường phân li giữa cái hình dung và cái trừu tượng là không quan trọng, nó cho phép tôi làm việc phóng khoáng không câu thúc.

Ðến với hội hoạ, tôi không quy định một chủ thuyết ý niệm nào và cũng không thuộc về một trường phái nào. Ðiều tôi sợ nhất là sự gán ghép một nhãn hiệu thời thượng mới nào đó vào tác phẩm của tôi. Tôi tin rằng điều quan trọng nhất cho một nghệ sĩ là giữ mình ở xa khỏi những người khác càng nhiều càng tốt để tránh bị trộn lẫn trong trào lưu nào đó. Nếu một người có thể tìm ra lối biểu hiện nghệ thuật đặc thù của riêng mình, thì không còn một phần thưởng hoặc niềm vui nào lớn hơn. Lí do là vì, trong đời thực, những tự do cá nhân luôn bất biến phải chịu những câu thúc, và chỉ trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật của cá nhân một người mới có thể đạt tới sự tự do biểu hiện một cách trung thực con người mình. Tuy thế tự do này còn tuỳ thuộc vào việc người đó có thể tìm thấy hay không hình thức thiết iếu của biểu hiện, không có nó cái tự do biểu hiện nghệ thuật là vô nghĩa.

Ðối với nghệ sĩ, tự do biểu hiện nghệ thuật, còn hơn là ý chí nghiêm nhặt, nằm trong sự thoải mái mà người đó sử dụng những phương cách tự chọn của riêng mình để có thể đạt tới tự do ấy. Ðiều này có nghĩa là ngoài việc có (hoặc không có) những tư tưởng riêng, người nghệ sĩ phải học hỏi chất liệu và dụng cụ của mình sử dụng để xem có thể đạt tới tự do là bao nhiêu. Cách riêng, làm thế nào khác mà giấy, cọ, và mực có thể dùng trong tranh thuỷ mặc. Ðiều này tuỳ thuộc vào sự điều nghiên cách hành xử các chất liệu và kĩ thuật áp dụng. Càng điều nghiên, tôi càng khám phá ra rằng tiềm năng của tranh thuỷ mặc còn lâu mới cạn kiệt, dù cho hình thức nghệ thuật này đã ở quanh ta ít nhất cả một ngàn năm. Nghệ thuật này được biểu hiện một cách khác biệt trong đôi tay của từng cá nhân nghệ sĩ, đó cũng là lí do tranh thuỷ mặc luôn dung dưỡng đời sống mới. Vậy nên tôi hoàn toàn sung sướng tiếp tục làm riêng trong cõi miền của tranh thuỷ mặc.

Một điều như thế thiết iếu cũng là đúng với tranh sơn dầu. Không ai có thể nói, một cách chắc chắn rằng tới khi nào thì tranh sơn dầu sẽ không thể xúc tiến một cái gì chưa hề được vẽ trước đó. Chấp nhận rằng ngày nay trong nghệ thuật bất cứ chất liệu hoặc kĩ thuật nào có thể được sử dụng, kể cả máy điện toán và tia laser, nhưng tôi hoàn toàn chỉ muốn vận dụng những biến thiên đơn sắc về chiều sâu bằng mực và giấy trong ranh giới của mặt phẳng hai chiều kích để tạo những bức tranh của tôi. Nói rộng ra, bất cứ loại nghệ thuật nào cũng là về cố gắng đạt tới sự vô giới hạn dưới những điều kiện hạn chế cho sẵn.

Nghệ thuật nên biểu hiện gì? Mỗi nghệ sĩ khác lại có câu trả lời khác, và chính bởi những câu trả lời khác đó mà chúng ta có vô vàn những sự theo đuổi nghệ thuật. Hơn thế nữa, không câu trả lời nào là phổ quát, hoặc là câu trả lời duy nhất đúng. Trong nghệ thuật, không có phán đoán đúng hoặc sai, hoặc luân lí, bởi nghệ sĩ không chấp nhận những sự thật của kẻ khác. Bởi trong nghệ thuật không có thượng đế cũng không có chủ, nghệ sĩ tự do lao mình vào những cuộc đeo đuổi vô tận và chẳng hề quan tâm là cực nhọc đến đâu.

Ðồng thời với việc tôi đeo đẳng những khả tính và thú vui mực cùng cọ, tôi cũng tìm kiếm phẩm chất kết cấu (textural quality) chưa từng thấy trong tranh thuỷ mặc truyền thống trong một nỗ lực để dung hoà cái duyên dáng của tranh thuỷ mặc với phẩm chất cảm xúc biểu hiện trong tranh sơn dầu. Không những tôi chỉ nhấn mạnh cách riêng đến những hiệu ứng của sự bão hoà mực, mà tôi còn sử dụng điều này để cho những hình ảnh có một phẩm chất khác về kết cấu. Do đó, mực được áp dụng mấy lớp, tạo những hiệu ứng hình ảnh tương phản. Tính trừu tượng và tính cụ thể trở nên hiển hiện từ bố cục tác phẩm cũng như từ sự tương phản của hình ảnh. Tôi cũng sử dụng ánh sáng để làm phong phú cho sự biểu hiện của mực. Góc độ đặc thù của tôi là tôi không đặt định nguồn ánh sáng, không giống như nhiều tranh phương Tây. Tôi tin rằng ánh sáng có thể có ở bất cứ nơi nao có đời sống hoặc tinh thần. Khi một người nhìn vào bên trong để thấy một thị kiến, thì hình ảnh hoặc cái đường biên của hình ảnh phát ra một ánh sáng lung linh, một hiệu ứng khi mực gặp giấy.

Vốn cũng đã học ngành nhiếp ảnh, tôi mang góc nhìn, chiều sâu của dã ngoại, và tụ điểm của nhiếp ảnh vào trong tranh thuỷ mặc của tôi để soi vào những hình ảnh của tâm trí, tự nhiên kết quả thành những hình ảnh không thể nắm bắt với một máy chụp hình. Nghệ thuật nhằm đạt tới một cảnh giới không thể đạt tới được trong thực tế. Bằng không cớ sao lại chuốc lấy mọi ưu phiền?

Khi vẽ tranh tôi luôn luôn lắng nghe âm nhạc, chờ đến lúc nhạc kia khảy một sợi dây trong trái tim tôi rồi mới khởi sự vẽ. Một khi đã xúc động, những hình ảnh từ tôi tuôn ra, và bằng chuyển động của cọ và mực, thế là nhạc cho tranh của tôi một thứ tiết điệu nhất định. Nhạc cho những thành tố tương ứng của hoạ (điểm, trường, tuyến và nét cọ) thêm nhiều cảm xúc nữa, vậy tại sao lại không sử dụng nó? Phương pháp tạo dáng và hình ảnh này cho phép có những màu sắc biến thiên của tâm thái, và ban cho bức tranh một sự hiện diện sống động.

Tôi không coi hội hoạ là một biểu hiện thuần tuý về hình thức. Hình thức phải thừa nhận là quan trọng, đặc biệt trong những nghệ thuật tạo hình, nơi người ta không thể biểu hiện mà không có hình thức. Tuy nhiên, hội hoạ hiện đại trong thế kỉ này đã tiến dần đến sự thuần khiết của hình thức, đã biến sự thay đổi hình thức thành mục tiêu tối hậu của hội hoạ. Hình thức thuần tuý, thường xuyên mất tính biểu hiện, ngày càng trở thành gần với trang trí, đến mức độ nó đã trở thành một bức tường trắng, hoặc một phiến những sơn dầu, một vài khối màu, hoặc nhiều tuyến, rồi người thi triển kí tên. Ðó là những hậu quả của trò chơi vô bổ với hình thức, ấy thế mà nghệ thuật không bị huỷ diệt vì nó.

Nếu sự tự biểu hiện của một nghệ sĩ trở thành biểu hiện trực tiếp của cái tôi, thì nghệ thuật của một người nghệ sĩ là một mớ bòng bong. Bởi cái tôi (hoặc bản ngã) vốn là một khối hỗn mang, hoặc khởi đầu là một lỗ đen, thì trừ khi một nghệ sĩ hành xử sự tự giác và tách lìa mình khỏi sự quan sát vô tình của thế gian (gồm cả cái tôi) thì có gì ở đó để nhìn?

Hơn cả sự tự biểu hiện, tôi coi nghệ thuật như một trường hợp tự thanh tẩy - quan sát bằng một cặp mắt khá tỉnh táo cái thế giới hằng thay đổi và cái tôi của riêng mình chủ iếu không vướng mắc. Và dù cho có thể không hiểu được những bí ẩn của cuộc đời, người nghệ sĩ cũng có thể để lại cho đời một hoặc hai thứ kì lạ. 

Đóng và mở trong bố cục tranh


Thẩm Tông Khiên viết: “Bản chất cơ bản của vũ trụ có thể được mô tả đầy đủ bằng hai chữ “mở” và “đóng”. Từ chuyển động của các lực lượng trong vũ trụ đến các chuyển động của thở, không có gì không phải là chuyện mở ra đóng vào. Quan điểm này giúp ta hiểu được bố cục trong hội họa… Phần nào cũng phải bắt đầu ở đâu đó và kết thúc ở đâu đó. Tất cả những điều này phải rõ ràng rành mạch trong tranh. Bỏ sót điểm quan trọng của việc kiểm soát có hiệu quả cái chuyện đóng mở ấy sé dẫn đến hậu quả của bức tranh chỉ là một đống hỗn độn các điểm sáng tối, như một đống củi vậy. Không thể có bố cục nữa. Không còn nghệ thuật nữa”. Thực ra quan điểm đóng mở trong bố cục tranh chính là triết lí Âm Dương quen thuộc trong tư tưởng Á Đông. Đóng và mở luôn đi cặp với nhau, không thể tách rời trong bố cục tranh, cũng như âm và dương vậy. Có mở là phải có đóng và ngược lại, có đóng là phải có mở. Trong hội họa Trung Hoa, mở tức là mở nét cho cái dòng khí trong tranh, đóng tức là đóng nét để dòng khí chuyển động hài hòa và thống nhất. Cụ thể dưới đây chúng ta phân tích một số bức tranh cổ điển cũng như hiện đại, để thấy rằng đóng-mở là một nguyên lý rất quan trọng trong bố cục tranh.

Bức “Thông reo bên khe núi” của Đường Dần


 Đá, nước và thông ở phía dưới bắt đầu mở bố cục cho tranh, rồi nó phát triển lên thành đỉnh núi sừng sững phía sau. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì bức tranh sẽ trở nên ngồn ngộn và bức bối, vì vậy mà Đường Dần phải tạo ra các nét mờ ảo của đỉnh núi ở phía xa để đóng bố cục lại. Vì vậy bức tranh trở nên hài hòa, sống động và có chiều sâu hơn.


Bức “Chân dung Lí Bạch” của Lương Khải
  

Phần mặt được bắt đầu mở từ đỉnh trán và đóng ở râu cằm. Nhưng để tạo ra cả một cái đầu người thì vẫn chứ đủ, phần mặt chỉ là mở cho vết chấm mạnh của phần tóc. Rồi từ phần đầu này, các nét thân hình bắt đầu hình thành, phát triển rồi nó phải có một cái gì đó đóng lại, và họa sĩ đã chọn cái giầy ở phía dưới. Trong phần thân có hai vận động đóng mở, một vận động từ cổ chạy ra đằng trước rồi đóng ở vạt áo phía dưới đằng sau, một vận động khác bắt đầu mạnh từ gáy chạy sau lưng rôi đóng một cách mập mờ ở phía dưới vạt áo.


Bức “Tôm” của Tề Bạch Thạch
Con tôm ở dưới cùng bắt đầu mở ra khí cho bức họa, nó ngẩng đầu lên. Ba con ở giữa là các biến hóa của dòng khí đó, đến con thứ năm cúi đầu xuống thì dòng khí kết thúc. Năm con tôm tuy có tư thế khác nhau mà thống nhất như thể là chuyển động của một con tôm vậy. Mỗi nét vẽ càng tôm đều chứa cái cấu trúc đóng mở trong đó, mở ra từ đầu tôm và đóng lại ở cái càng hai ngón. Trong thân hình con tôm thì mở ở đầu tôm, đóng ở đưôi tôm. Thật sống động, thống nhất và hài hòa!




Bức “Sinh nhật” của Chagal


Những mảng màu đen thể hiện hình người bắt đầu mở ra trên nền trắng để rồi phải có hình tròn đen chếch phía dưới và hình chữ nhật đen ở mép trên bên phải để đóng màu đen lại. Hình tròn và hình chữ nhật đó được mở ra về hình thể nên cần phải đóng lại, vì thế mà phải có hình tròn và hình chữ nhật màu khác được tạo ra để cân bằng cấu trúc hình thể. Nhưng các hình thể này xuất hiện trong nhiều màu sắc khác nhau nên cần phải có một mảng màu đỏ lớn ở dưới sàn nhà để ngăn chặn (để đóng) sự “lạm phát” màu đang lan tràn.



Bức “Âm nhạc” của Matisse


Bức tranh này có cấu trúc đóng-mở như bức “Tôm” của Tề Bạch Thạch. Matisse bắt đầu mở bố cục bằng hình người đứng kéo violin. Hình thể đó được phát triển chéo lên trong ba hình người ngồi tiếp theo, phát triển rồi lại phải có một hình thể để đóng ở phía dưới. Có lẽ đây là một bản nhạc viết theo nhịp 4/4. Còn nếu xét theo tư thế thì bốn tư thế ngồi đóng cho tư thế đứng, nên có lẽ trong đoạn nhạc này, phách sau bị đảo (vì người ngồi phía dưới, thể hiện nốt bắt đầu phách sau, không được nhấn).


Bức “Cô gái với chiếc quạt” của Picasso


Chiếc quạt bắt đầu mở bố cục bằng một hình tam giác màu xám, và Picasso phải đóng nó bằng các mảng trắng và đen ở phía sau. Một tập hợp các hình tam giác mạnh mẽ này sẽ trỏ nên thái quá khó chịu nếu không có hình cung tròn của ngực phải cô gái đóng lại. Đến lượt nó, cung tròn sẽ trở nên cô đơn nếu không có cung tròn của đầu đóng lại để làm bè bạn với nó. Rồi sợ tập hợp cung tròn đầy nhục dục này sẽ mở bung ra, sẽ lấn át cái ý chí của các hình tam giác mà Picasso phải gắn ngay cái mũi hình tam giác lên khuôn mặt và chỉ cho phép một bên ngực lồi ra thôi. Ôi thôi, khuôn mặt trở lên bí xì vì bản năng bị kìm chế. Khi mảnh áo che bên ngực trái cô gái được mở ra để ngăn chặn tập hợp cung tròn thì nó cần phải đóng lại, và thế là cái vai phải nhô lên. Đến lượt cái vai trái này phải đóng, và Picasso giải quyết bằng một hình tứ giác phía sau với chút mảng đen bên vai phải… Một cơ thể lệch lạc như vậy mà khi nhìn tổng quan vẫn thây hài hòa, đó chẳng phải là vai trò của cấu trúc đóng-mở tạo ra hay sao?


Bức “Vết đỏ” của Kandinsky


Vết đỏ đậm trong mảng parabol bắt đầu mở bố cục tranh, và Kandinsky phải đóng nó bằng một đường parabol đỏ nhạt mong manh đối diện. Nhưng cái đường này cũng không đủ sức cản nổi sức mạng phi thường của vết đỏ, đã thế bản thân nó lại mở thêm ra một cấu trúc đưởngthânu trcs nétthêm abol và cung tròn để chế ngự vết đỏ. g mở  cái vai phải nhô lên đảo phách (người ngồi phía dưới thể hiện, nên họa sĩ phải tạo ra cả một tập hợp đông đúc và nhộn nhạo các dải parabol và đường cung tròn để chế ngự vết đỏ. Đé khi tập hợp các đường bùng nổ thì Kandinsky sợ hãi cho số phận vệt đỏ, ông bèn tạo ra các hình tròn để dàn xép cho hai bên. Nhưng vì mải theo đuổi dàn xếp để mong yên ổn mà cấu trúc bị loạn xạ, họa sĩ ngao ngán bèn tạo một mảng đen bên ngoài để đóng cái tự do phá phách lại. 

Những yếu chỉ của mỹ học Thiền (6) - Dấn thân

Bức thứ mười trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" có tên là "Nhập triền thuỳ thủ", tức "Thõng tay vào chợ", tại sao vậy? Đó là vì ở bức thứ tám chỉ đạt đến cảnh giới "Người, trâu đều quên", tức sự đắc ngộ riêng cho bản thân. Thiền đi xa hơn những cảnh giới tự mình đạt được, là sự dấn thân vào hồng trần để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Hiểu được triết lý đó của thiền ta sẽ hiểu được vẻ đẹp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính".
Vẻ đẹp trong nhân vật Thị Kính chính là sự dấn thân và trải nghiệm về cái khổ, dù là do ngoại cảnh hay tự ý. Ta cũng biết rằng, vẻ đẹp về bi kịch đã được lí luận từ thời Hy Lạp cổ với quan điểm "catharsis" của Aristote, nhưng cái khổ trong kịch nghệ Phật giáo có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu như catharsis là cảm giác trải nghiệm của người xem về một số phận đau thương; họ nhập tâm vào vở kịch, gán bản thân vào nhân vật; họ sợ hãi và đau đớn; để rồi kết thúc vở kịch thấy rằng đó chỉ là một câu chuyện; họ vui sướng thoải mái trở lại đời sống thực tại.
Còn vẻ đẹp bi kịch của thiền là sự dấn thân của nhân vật vào cái khổ, đồng thời khơi dậy cho người xem một cảm giác chia sẻ nỗi khổ. Rõ ràng Thị Kính có nhiều cách để giải oan nhưng nàng lại lựa chọn sự đau khổ, nàng đi tu, nàng chấp nhận tiếng xấu thông dâm, nàng chấp nhận cô đơn nuôi đứa trẻ hoang. Nếu không làm thế đứa trẻ và mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ bị các hủ tục giết chết. Sự dấn thân vào cái khổ chính là một cách để chúng ta thấy rằng cảm giác khổ do ảo tưởng của ta mang lại, một cảm giác bị động, còn khi ta chủ động nắm lấy cái khổ thì nó có một ý nghĩa khác: lòng từ bi bác ái.
Hoặc "Truyện thiền sư Kannon" cũng là một ví dụ khác về mĩ học của sự dấn thân, khi Kannon tình nguyện làm người tình của vị sư già nhằm mục đích giác ngộ ông ta. Truyện kể về một thiền sư già nhiều năm tu khắc khổ mà vẫn chưa đắc đạo. Một lần ông đến chùa Hasedera là nơi thiền sư Kannon trước đây đã tịch diệt. Một đêm, vị thiền sư già thấy một chú tiểu rất đẹp đang thổi sáo ở vườn chùa trong làn khói hương mờ ảo. Vị sư già rất yêu chú tiểu, lập tức kéo về làm đệ tử đồng thời làm người tình riêng cho mình. Sau ba năm yêu thương nồng ấm, chú tiểu ốm rồi qua đời, để lại nhà sư già với trái tim tan nát. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù hoa vô thường của vạn vật, về ảo ảnh của sắc dục. Vị thiền sư già chợt giác ngộ.

Những yếu chỉ của mỹ học Thiền (5) - Tự nhiên

Trong nghệ thuật của thiền, điều quan trọng đối với một nghệ sĩ không phải là anh ta diễn tả thế giới mà là anh ta diễn tả chính bản thân mình với những cảm xúc chân thật nhất. Người nghệ sĩ nếu thể hiện cái nhìn của anh ta về thế giới thì đó là những kinh nghiệm luôn có xu hướng cứng nhắc và định hướng, còn nếu anh ta cứ tự nhiên thể hiện cảm xúc không cần đ ý nguyên tắc nghề nghiệp thì đó mới là cái thăng hoa của nghệ thuật. Nhà soạn tuồng nô Zeami có nói về hana, tinh hoa của tuồng nô như sau
Về diễn xuất thì có người đạt được kỹ thuật cao nhưng có khi không hiểu gì về tinh thần của nô, ngược lại, có người không nắm kỹ thuật cho lắm nhưng lại cảm nhận rất tốt về nô. Khi diễn trước công chúng, người có kỹ thuật cao mà diễn không đạt là vì thiếu cảm nhận về nô. Vì thế, kẻ mới vào nghề mà đứng trước khán giả lại trổ được cái tinh hoa mà người diễn chuyên nghiệp không có.”
Kinh nghiệm của Zeami cho chúng ta biết rằng cái tinh thần của tuồng nô (và nghệ thuật nói chung) không phải là những qui tắc kĩ thuật biểu diễn với các động tác múa và cách nhả âm giọng mà nó nằm cái đam mê hưng phấn của kẻ mới vào nghề. Khi đó kẻ mới vào nghề chưa bị các thói quen diễn xuất hay chính là cái quyền lực của khái niệm ngôn từ chi phối, họ hành động tự do sáng tạo theo cảm nhận tự nhiên về vở diễn.
Tương tự như hana trong tuồng nô, hội hoạ cổ điển Trung Hoa rất đ cao cái thần, cái ý trong tranh. Khi hoạ sĩ cầm bút thì phải vẽ thật nhanh đ cái thần ý của mình vẫn trong nét mực, không thể có thời gian suy tính bố cục hay đường nét hoàn hảo, như Tô Đông Pha từng nói: "Muốn vẽ trúc thì phải có trúc mọc từ trong ngực đã; đến lúc vẽ, định thần cho chăm chú sẽ thấy cái muốn vẽ. Rồi lập tức theo sát nó, dụng bút đ đuổi theo hình ảnh vừa nhìn thấy, như con diều hâu nhào xuống con thỏ, ngập ngừng một chút là mất dấu".

Ví dụ bức tranh "Bình hoa" của Bát Đại Sơn Nhân dưới đây ta thấy một cách dụng bút rất tinh tế. Bức tranh tuy đơn giản nhưng rất đặc trưng cho hội hoạ thiền, một vẻ đẹp tự nhiên tinh khiết. Đường nét của bình hoa đơn giản mà vẫn đủ độ cong, đủ độ thẳng, đủ độ nhấn, đủ độ mờ. Vài mảng mực đậm tự do chồng lên nhau cũng đủ gợi lên hình ảnh một bông hoa tươi tắn, đang độ viên mãn. Một nét mực khuyết cũng đủ gợi lên một không gian bóng đổ phía sau…