21/7/14

Phú Côn Sơn



Thơ: Hoàng Rô
Tranh: Một Danna


Lặng lẽ giữa hai hàng thông xanh mướt,
đường về Côn Sơn thoang thoảng hương,
quanh co hồ nước xen trong núi,
thấp thoáng suối ngàn trong ngón tay.
Nhớ khi xưa ông ngoại lên núi Chí Linh ẩn cư, lúc đó ta còn nhỏ lắm, hàng năm đến dịp hè mẹ lại chở lên Côn Sơn thăm ông ngoại, chiều đi lên đồi hái sim rồi tắm suối. Thoáng chốc đã hơn hai chục năm, người xưa cảnh cũ nay chẳng còn, bất giác nhớ đến câu thơ của Ức Trai khi trở về cố hương đã viết:
“Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Quy lai tùng trúc bán tiêu nhiên”.
Thông vẫn xanh, suối vẫn reo, rêu vẫn phủ, mà tâm cảnh héo tàn một nửa.
Đại vẫn nở, chuông vẫn kêu, ngói vẫn vỡ, mà tâm người càng thêm trăn trở.

Qua tam quan, ta thong thả bước tới cửa thiền.
Cánh rêu phong, ghé nhìn bia “Thanh Hư Động”.
Thắp một nén nhang, ta lại cầu huệ an trước tượng Phật.
Đọc lại thơ xưa, thấy hình bóng Tổ Huyền Quang ngồi nhập cảnh thiền:
“Vong thân, vong thế, dĩ đô vong
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vấn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”.
Nhìn hoa cúc thấy tâm thời yên ắng,
ngước rừng thông trầm lặng như mái nhà.
Phật cảnh chẳng ở đâu xa,
cúc an thông huệ chính là trong tâm.

Rồi chẳng biết tự lúc nào ta bước lên sáu trăm bậc đá, lên tới tận đỉnh Côn Sơn, nơi có những tảng đá to trơn bóng, khéo được sắp đặt chỏng chảnh tự nhiên. Một khung cảnh bao la hữu tình, những thung lũng chen theo mạch núi trập trùng, thông và hồ nước, đá và suối dập dìu quấn quýt lấy nhau. Đứng trước cảnh tượng phiêu diêu đó hẳn khiến người ta nổi thi hứng. Hoàng đế Lê Thánh Tông cũng đã từng đứng đây mà viết rằng:
“Nhật thiên thảo mộc cùng ngu hưởng
Bất tận giang sơn nhập chỉ huy”.
Đứng hồi lâu tận hưởng vẻ thanh khiết của thiên nhiên, ta lại nhìn sang ngọn Giáp Sơn, là nơi mà các học trò của Ức Trai đã an táng ông sau khi bị tru di tam tộc. Ngọn núi sừng sững trước mắt mà ta thấy như một khoảng trống xanh ngắt để những thăng trầm, oan khuất của lịch sử rơi vào trong đó. Bất giác, ngâm nga:
Sao Khuê sáng bởi những vết đen của lịch sử,
cuộc thanh trừng để hậu thế tôn thờ một thánh nhân.
Nợ nước thù nhà mà tạo nên một danh tướng,
bao chông gai nuôi dựng khí anh hùng,
văn hoá bị tận diệt nên sinh ra một danh nhân văn hoá,
khúc khải hoàn tức là đại công thần sẽ mang mối hiểm nguy.
Lẽ nhân gian tương hồi giữa hai đầu sáng tối,
Cuộc thành bại cũng rong ruổi trong dải sống chết mà thôi.

Với phận người, sự hiện diện dưới gầm trời này thật chóng vánh, những oan khiên thị phi hay hân hoan hưởng lạc rồi cũng theo nắng chiều đi vào bóng tối huyền linh khó hiểu. Những cái chết của nhân tài, những oan khuất của công thần thì đời nào cũng có chẳng riêng gì Ức Trai. Bí sử trong thời chúng ta cũng đâu thiếu gì những cái chết của danh tướng, những nỗi oan của sĩ phu. Nhưng tất cả nhẹ bẫng như lông hồng. Bởi nếu đã là bậc anh kiệt thì đâu bị mấy lời phán xét tầm thường làm yếu đi chí khí, đâu bị cái chết ám ảnh tới lương tri. Như thế, chúng ta gọi là ánh sáng của sao Khuê.  

Mải mê nghĩ về Ức Trai chẳng hay mặt trời đã tới đỉnh đầu,

chợt tiếng thông chuyển lời chuông gọi xuống nhân gian.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét