19/9/12

Huệ và Họa (6) - Vắng mặt

Một trong những sự giải trung tâm quan trọng nhất của nghệ thuật là giải trung tâm những gì có thể cảm nhận, thể hiện được. Tức là giờ đây chúng ta phải đặt vấn đề vào những gì nghệ sĩ chưa cảm nhận được, chưa thể hiện được; đó là yếu tố vắng mặt của nghệ thuật.
Thông thường chúng ta chỉ cảm nhận được cái mà các giác quan thấy, và họa sĩ cũng thường chỉ thể hiện được cái mà nó có tính hiện hữu; bởi vì cái “thấy”  và “hiện hữu” đó là trung tâm của một cấu trúc nhận thức. Cấu trúc đó được phá hủy khi chúng ta nghĩ tới cái vắng mặt, cái phi hiện hữu.  Lưu ý rằng, tính hiện hữu trong hội họa không phải là tính tả thực. Một bức tranh tả thực có thể truyền tải yếu tố vắng mặt, cũng như một bức tranh trừu tượng có thể chỉ mô tả toàn những thứ hiện hữu. Một bức tranh mà ý nghĩa của nó đã thể hiện được trọn vẹn bằng tất cả những gì có trên mặt giấy thì chưa phải là một bức tranh hay.
Cái vắng mặt là thành phần không thể thiếu trong bức tranh, nó phải đi kèm cùng thành phần hiện hữu. Khởi thủy khi có hình thể để tạo nên một bức tranh thì cũng chính là khi cái vắng mặt xuất hiện, chỉ có điều rất ít họa sĩ muốn theo đuổi nó, và cũng rất ít người xem tranh thấy được vẻ đẹp của nó.
Làm sao họa sĩ có thể đưa vào tranh cái vắng mặt? Sự thực thì anh ta không thể nào cảm thấy được nó. Nó là một trạng thái không nằm trong lý trí để mà nắm bắt. Nó gần như là cảm thấy mà không thể nào cảm thấy. Họa sĩ cứ vẽ và có lúc cái vắng mặt sẽ lẩn khuất trong tranh.
Và làm sao người xem có thể suy đoán cái vắng mặt trong bức tranh? Nhờ sự so sánh tương đối với những cái hiện hữu trong tranh mà người xem truy tìm cái vắng mặt. Những biểu hiện khơi gợi về cái vắng mặt cho người xem tranh có thể là: một bố cục lệch hoặc lấy khoảng trống làm tâm điểm; hoặc những nét mục rơi vào hư không; hoặc bóng tối; hoặc ý nghĩa của tên tranh không xuất hiện trong bản thân bức tranh…

Sen - Một Danna

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét