19/9/12

Những yếu chỉ của mỹ học Thiền (2) - Phi hiện hữu


Thông thường chúng ta nhìn thế giới theo những gì hiện hữu mà chúng ta kiểm chứng và đánh giá được, tức ta suy nghĩ dựa vào những kinh nghiệm tri thức mà ta đã biết. Thiền thì chủ trương phá bỏ những kinh nghiệm đó, và vì thế thiền đặt vấn đề cho những thứ nằm ngoài kinh nghiệm ngôn ngữ đã hiện hữu. Nghệ thuật của thiền cũng là những thách đố cho chúng ta truy tìm những thứ chưa hiện hữu. Ví dụ như bức tranh “Thác nước” dưới đây của hoạ sĩ Nhật, Zeshin Shibata.


Tên bức tranh là "thác nước" mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ thấy những tảng đã lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài nét mờ nhạt thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không có vai trò gì). Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá và những khoảng trống trong bố cục mà ta cảm nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở luồn qua những khe đá. Quá trình xem bức tranh này là một quá trình truy tìm sự phi hiện hữu ẩn giấu trong các nét mực đã hiện hữu.
Quá trình tìm kiếm này ta cũng bắt gặp trong tuồng nô của Nhật với những khoảng lặng khá lâu để khán giả tìm kiếm những ý nghĩa ngoài lời thoại đã hiện hữu. Trong dòng nhạc thính phòng đương đại tính chất phi hiện hữu này đã được nhạc sĩ John Cage áp dụng sau thời gian ông học thiền. Năm 1952 Cage giới thiệu tác phẩm "Composition entilted 4’33", một cú sốc với công chúng Mĩ. Đây là một tác phẩm có thể chơi bằng bất cứ loại nhạc cụ nào hoặc bằng một cái gì đó tương đương như nhạc cụ. Tổng phổ hoàn toàn là sự im lặng. Nó không hề có một nốt nhạc nào cả. Người biểu diễn ngồi im lặng trên sân khấu trong suốt thời gian của tác phẩm (4 phút 33 giây). Kết quả cuối cùng chính là âm thanh của tiếng máy điều hoà không khí của phòng hoà nhạc, tiếng ồn do người nghe mang tới, thí dụ như tiếng ho, tiếng cười và những âm thanh từ bên ngoài phòng hoà nhạc mang lại… Hệ thống âm nhạc cổ điển của phương Tây được tạo ra trên nghiên cứu về những âm thanh hiện hữu, về cấu trúc âm cho sự hài hòa thính giác. Âm nhạc của John Cage và âm nhạc của thiền thì đặt vấn đề ngược lại khi tìm sự biểu hiện trong cái phi âm thanh, phi cấu trúc, phi hài hòa. Truy tìm âm nhạc trong sự im lặng là một thách đố cho nhạc sĩ nào muốn theo con đường âm nhạc của thiền. 
Thách đố về sự phi hiện hữu cũng dành cho kiến trúc sư. Ta hãy lấy vườn thiền Ryoan-ji làm ví dụ điển hình. Vườn thiền gồm 15 hòn đá xếp thành 5 nhóm tượng trưng cho những hòn đảo trên đại dương. Điều kì lạ là khi đi vòng quanh vườn bao giờ cũng bị khuất mất một hòn đá. Chỉ cần di chuyển một chút là ta thấy hòn đã bị khuất đó, nhưng khi đó một hòn đá khác lại bị khuất. Một tác phẩm kiến trúc được xây dựng từ yếu tố phi hiện hữu, điều đó chỉ có thể xảy ra trong không gian mĩ học của thiền.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét