19/9/12

Huệ và Họa (2) - Hứng khởi

Sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ thuật và những gì gần giống nghệ thuật là hứng khởi.
Nếu không có hứng vẽ tranh mà cứ vẽ thì đó chỉ là những bài luyện tập. Luyện tập cũng là điều rất cần thiết nhưng sản phẩm của nó không phải là tác phẩm nghệ thuật. Khi có hứng khởi thì hoạ sĩ dễ tập trung vào hiện tượng vẽ, trụ vào nó, làm cho những suy nghĩ biện chứng bị gác lại, những hình ảnh lan man vô thường trong tâm dần biến mất; sau đó họa sĩ sẽ dễ dàng hơn nhập vào trạng thái hoạ thiền. Khi đó, vẽ là vẽ, không có gì ngoài vẽ.
Nét bút của hứng khởi thì không chứa ý nghĩ, như nước chảy từ cao xuống thấp, tự thân không biết đổ về đâu nhưng lại thành dòng chảy. Khi vẽ, họa sĩ không thể nào cân nhắc suy tính cho bố cục và đường nét hoàn hảo. (Đường nét và bố cục phải được rèn luyện qua các bài tập từ trước). Bàn tay cứ thế bay lượn với bút và giấy, không còn sự chỉ đạo của đầu óc nữa.
Hứng khởi sẽ tạo ra vẻ đẹp tự nhiên tinh khôi, một vẻ đẹp hướng tới trạng thái cảm xúc nhiều hơn là kỹ thuật thể hiện. Sự tinh xảo, lão luyện có thể tạo ra một vẻ đẹp nào đấy nhưng nó sẽ hàm chứa hứng khởi ít hơn là sự mộc mạc, khờ dại. Những người nghệ sĩ mới bước vào nghề tuy có kỹ năng thể hiện và  thẩm thấu mỹ học non kém nhưng lại có hứng khởi và khát khao sáng tạo hơn hẳn những người lâu năm trong nghề. Kẻ mới vẽ thì ít bị ảnh hưởng từ lối mòn sáng tác của những người đi trước, ít bị ràng buộc bởi những nguyên tắc mỹ học phổ quát nên cảm xúc đầy tràn, hứng khởi trào dâng.
Nhưng hứng khởi không phải lúc nào cũng xuất hiện. Chẳng lẽ vì không có hứng khởi mà không sáng tác nghệ thuật? Không, người nghệ sĩ phải luôn luôn rèn luyện. Có thể từ những bài tập mà xuất hiện một trạng thái khác của Thiền gọi là đốn chuyển.

Chọi trâu - Một Danna

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét