Khi họa sĩ nổi hứng vẽ tranh thì
cũng là lúc kết thúc trạng thái suy nghĩ miên man để đi vào trạng thái họa
thiền. Khi họa sĩ bừng ngộ về một yếu chỉ của nghệ thuật thì cũng là lúc những
chấp mê trước đây bị đập tan. Khi họa sĩ vẽ xong bức tranh, cái trạng thái hứng
khởi sống động hoặc cái bừng nổ đốn chuyển của anh ta cũng kết thúc. Vậy, sự
hủy luôn đi cũng với sự vẽ tranh. Người ta thường tôn vinh nghệ thuật, cho rằng
đó là sự sáng tạo. Những gì tốt đẹp được gán cho nghệ thuật. Đó là một quan
điểm chấp chứa u mê. Tại sao nghệ thuật không phải là sự hủy diệt? Nói nghệ
thuật là hủy diệt không phải để khẳng định nó, mà để phá chấp về cái gọi là
sáng tạo nghệ thuật.
Khi ta sáng tạo cái mới, tức là ta
hủy diệt cái cũ. Hiểu về sự hủy diệt trong nghệ thuật cũng là một điều cần
thiết. Kẻ tu hành mà đắc quả tối thượng là nhập niết bàn, thoát khỏi luân hồi
đau khổ thì tức là kẻ đó đã hủy bỏ tất cả các pháp, các nghiệp. Một sự hủy diệt
tuyệt đối. Cũng là một sự sáng tạo tuyệt đối. Khi nghệ thuật đạt tới sự hủy
diệt tuyệt đối này thì những khái niệm như hứng khởi, đốn chuyển, giải trung
tâm, tương đối, vắng mặt, dấu vết… thành những lời nhảm nhí.
Sự hủy diệt là giá trị tối thượng
của nghệ thuật. Trước hết, nó là sự phá bỏ những trụ kiến của người vẽ cũng như
người xem. Thứ nữa, khi đạt đến cực điểm của sự hoan hỉ thì người ta chẳng cần
níu giữ thứ gì nữa dù là tác phẩm, dù là tài năng, thậm chí cả thân xác và tâm
hồn. Cuối cùng, hủy diệt thì không còn nghệ thuật. Khi không còn nghệ thuật nữa
thì là lúc giá trị của nó đạt đến viên mãn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét