19/9/12

Những yếu chỉ của mỹ học Thiền (6) - Dấn thân

Bức thứ mười trong bộ tranh "Thập mục ngưu đồ" có tên là "Nhập triền thuỳ thủ", tức "Thõng tay vào chợ", tại sao vậy? Đó là vì ở bức thứ tám chỉ đạt đến cảnh giới "Người, trâu đều quên", tức sự đắc ngộ riêng cho bản thân. Thiền đi xa hơn những cảnh giới tự mình đạt được, là sự dấn thân vào hồng trần để giúp chúng sinh thoát khỏi bể khổ. Hiểu được triết lý đó của thiền ta sẽ hiểu được vẻ đẹp trong vở chèo "Quan Âm Thị Kính".
Vẻ đẹp trong nhân vật Thị Kính chính là sự dấn thân và trải nghiệm về cái khổ, dù là do ngoại cảnh hay tự ý. Ta cũng biết rằng, vẻ đẹp về bi kịch đã được lí luận từ thời Hy Lạp cổ với quan điểm "catharsis" của Aristote, nhưng cái khổ trong kịch nghệ Phật giáo có một ý nghĩa khác hẳn. Nếu như catharsis là cảm giác trải nghiệm của người xem về một số phận đau thương; họ nhập tâm vào vở kịch, gán bản thân vào nhân vật; họ sợ hãi và đau đớn; để rồi kết thúc vở kịch thấy rằng đó chỉ là một câu chuyện; họ vui sướng thoải mái trở lại đời sống thực tại.
Còn vẻ đẹp bi kịch của thiền là sự dấn thân của nhân vật vào cái khổ, đồng thời khơi dậy cho người xem một cảm giác chia sẻ nỗi khổ. Rõ ràng Thị Kính có nhiều cách để giải oan nhưng nàng lại lựa chọn sự đau khổ, nàng đi tu, nàng chấp nhận tiếng xấu thông dâm, nàng chấp nhận cô đơn nuôi đứa trẻ hoang. Nếu không làm thế đứa trẻ và mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ bị các hủ tục giết chết. Sự dấn thân vào cái khổ chính là một cách để chúng ta thấy rằng cảm giác khổ do ảo tưởng của ta mang lại, một cảm giác bị động, còn khi ta chủ động nắm lấy cái khổ thì nó có một ý nghĩa khác: lòng từ bi bác ái.
Hoặc "Truyện thiền sư Kannon" cũng là một ví dụ khác về mĩ học của sự dấn thân, khi Kannon tình nguyện làm người tình của vị sư già nhằm mục đích giác ngộ ông ta. Truyện kể về một thiền sư già nhiều năm tu khắc khổ mà vẫn chưa đắc đạo. Một lần ông đến chùa Hasedera là nơi thiền sư Kannon trước đây đã tịch diệt. Một đêm, vị thiền sư già thấy một chú tiểu rất đẹp đang thổi sáo ở vườn chùa trong làn khói hương mờ ảo. Vị sư già rất yêu chú tiểu, lập tức kéo về làm đệ tử đồng thời làm người tình riêng cho mình. Sau ba năm yêu thương nồng ấm, chú tiểu ốm rồi qua đời, để lại nhà sư già với trái tim tan nát. Lúc đó Kannon hiện ra, tiết lộ rằng mình chính là chú tiểu và giảng cho nhà sư về tính phù hoa vô thường của vạn vật, về ảo ảnh của sắc dục. Vị thiền sư già chợt giác ngộ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét