4/10/12

Rebecca Spence – Nghệ thuật đường phố


“Tôi muốn có một cái nhìn về văn hóa Pop”, nghệ sĩ 34 tuổi Mickalene Thomas đã diễn giải như vậy khi cô gắn những viên đá Swarovski và đá thạch anh vào những bức tranh khổ lớn của mình về những phụ nữ da đen.
Thomas là một trong những nghệ sĩ tìm cảm hứng trong cái gai góc và hấp dẫn của văn hóa thành thị. Nikkis Lee tự chụp hình mình như một siêu sao nhạc hip-hop. Ryan McGinners tạo ra những bức tranh nhiều lớp với những hình ảnh nhỏ xíu của những tay trượt ván, và những hình vẽ trên tường và ván ép chung quanh thành phố New York. Và thế là bảo tàng và các gallery bắt đầu chú ý tới hiện tượng này. Có những buổi biểu diễn liên tục như “Những kẻ thất bại xinh đẹp: Nghệ thuật đương đại và văn hóa đường phố“ khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Cincinnati tháng 3-2004; với những tác phẩm của McGinnes, Brian Donelly, Shepard Fairy, Barry McGee và Tobin Yelland. Hoặc “Tiếng bản xứ mới: Pop, tranh chân dung, tạp chí giật gân và khiêu dâm“ tại gallery Steve Turner ở Beverly Hills, và “Nghệ thuật đường phố, cuộc sống đường phố” đã được lên kế hoạch khai mạc tại Bảo tàng Nghệ thuật Bronx đầu năm 2008.
Nghệ thuật graffiti (vẽ trên tường), nhạc hip-hop, trượt ván – đã từng bị loại ra khỏi lề xã hội – nay đang tiến vào dòng chảy chính, và nghệ thuật đương đại thì đang phản chiếu sự thay đổi đó. Lydia Yee, người phụ trách Bảo tàng Bronx và là nhà tổ chức “Nghệ thuật đường phố, cuộc sống đường phố“, giải thích: ”Internet và các phương tiện truyền thông đã đưa những nền văn hóa địa phương ít được biết đến tới gần với lượng khán giả đông đảo hơn”.
Ta có thể so sánh với trường hợp của những nghệ si như Jean - Michel Basquait và Keit Haring đầu những năm 1980, từ những nghệ sĩ vẽ trên tường trở thành những siêu sao của thế giới nghệ thuật. Nhưng đối với Yee thì Nghệ thuật Trình diễn của Vito Acconi và Valie Export cuối những năm 1960 cũng đã định hình trước khuynh hướng này. “Lúc đó họ đã muốn tìm một con đường liên kết với khán giả trực tiếp hơn và bỏ qua những cấu trúc nghệ thuật hàn lâm. Tôi nghĩ những nghệ sĩ trẻ hơn cũng lấy những đề tài đường phố với lý do này”. Nghệ sĩ New York Shinique Smith, truy tìm những nghiên cứu nghệ thuật của mình với gốc rễ thành thị ở Baltimore, nơi cô viết, vẽ trên tường với nhóm bạn của mình. Tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Maryland, cô đã bắt đầu kết hợp những nghiên cứu thời trẻ với nghệ thuật viết chữ Nhật Bản để tạo ra hình thức viết “giống như một loại hình viết chữ trên tường rất tự do, với nhiều lớp chồng lên nhau, và rất khó đọc ngay cả đối với những nghệ si graffiti chuyên viết vẽ trên tường“. Cô đã vẽ trực tiếp lên những bức tường của bảo tàng và gallery và tạo ra những bức tranh bằng giấy 3 chiều.
Với diện mạo tác phẩm có tính nghi thức và tâm linh, nghệ thuật của cô là những kết hợp mang tính lập đi lập lại, như sự khẳng định nhịp điệu làm nền cho âm nhạc hip-hop. Trong bức tranh màu đen và bạc “Tôi là tôi, tôi đi đến nơi tôi phải đi“ (2002), Smith đã kết hợp lời bài hát của ban nhạc Beastie Boys với những đoạn văn trong kinh thánh – mặc dù câu duy nhất hiểu được, có sự tương đồng với tiếng Ả Rập cổ có nghĩa là “tôi là”. “Điều quan trọng là hình thức của những từ này tạo thành một phức hợp, và sức mạnh bùng nổ từ đó“. Sắp đặt “Bale Variant # 006” (2005) của Smith lấy cảm hứng từ cách sử dụng và hủy bỏ vật chất của những đường phố chật hẹp, chen chúc với máy móc. Người phụ trách Sirman coi việc sử dụng những vật liệu của Smith và Thomas trong “Neo Vernacular“ như  “thức ăn tâm hồn”. “Đó là khả năng tạo ra một thứ gì đó từ không có gì, hay bất cứ thứ gì có trong tay”.

Một tác phẩm của Shinique Smith

Không giống như Smith mang đường phố vào trong nghệ thuật, nghệ sĩ Nam Phi Robin Rhode lại mang nghệ thuật ra đường phố. Ông vẽ phác bằng than những vật hàng ngày như ván trượt, ca đựng nước, xe đạp rồi diễn với chúng, chẳng hạn như trượt ván trong loạt tranh “Board” (2003). Tương tự, David Hammons sử dụng sân bóng rổ ở Brooklyn và Harlem cho loạt sắp đặt “Những bàn thắng cao hơn” giữa những năm 1980. Rhode sử dụng không gian đô thị ngoài trời như bãi đậu xe, sân chơi để làm sân khấu cho trình diễn của mình. Trong “Người vũ nữ thoát y“ (2004), một phim hoạt hình kết hợp với những bức ảnh dài 2 phút, Rhode mặc quần đen bóng như nhựa, mũ đen, giầy Nike trắng, ông cạo hình mới vẽ bằng than trên tường trắng (như ngụ ý đang lột trần). Tương tự, ông làm với hình cửa sổ, cửa chính, cho đến khi chỉ còn lại một khối màu trắng và cũng là tấm toan vẽ của ông.
McGee đã từng viết chữ lên tường trong suốt những năm niên thiếu ở San Francisco, đến nay vẫn bám theo những cột đèn, lề đường với những chủ đề đa dạng. Sắp đặt “Không đề” (2004) của McGee là một bức tường thể hiện một bàn cờ với những hình chữ nhật nhiều màu. Đứng trước bức tường là một mannequin có lắp động cơ, mang hình ảnh người bạn - cộng sự của ông - Josh Lazcano đang vẽ bằng sơn xịt.

Một tác phẩm của McGee

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét