4/10/12

Meredith Mendelsoln – Những nghệ sĩ lãng mạn mới


Trong “Đại dương mênh mông” (2001) của Ena Swansea, một bé trai đang đứng bên một bờ biển giận dữ. Bức tranh gợi nhớ lại tác phẩm của những họa sĩ Lãng mạn thế kỷ 19 như Caspar David Friedrich và J.M.W. Turner. Nhưng với ánh sáng chói, màu điện tử và vẻ dữ dằn của biển, tác phẩm của Swansea mang một vẻ lãng mạn đương đại – cùng sự giận dữ của những phong cách 2 thế kỷ trước.

“Đại dương mênh mông” của Ena Swansea

Là một trong những chủ nghĩa khó nắm bắt của lịch sử nghệ thuật, phong cách Lãng mạn hiện thân của nó có nhiều hình thức. Như một trào lưu, nó nổi lên vào cuối thế kỷ 18 như một phản ứng với chủ nghĩa duy lý hình thành ở thời đại Ánh sáng. Bị vỡ mộng bởi Cách mạng Pháp và những hậu quả hỗn loạn của nó, cũng như cách mạng công nghệ và những căn bệnh tinh thần của nó, những nghệ sĩ Lãng mạn nhấn mạnh đến tính xúc cảm và chủ quan trên tính duy lý và khoa học. Chủ đề của họ thường là những đề tài huyền thoại, lịch sử, linh hồn, hay những ý nghĩa, tính nguyên thủy trong thiên nhiên, để chuyển tải những trạng thái tâm lý và những trải nghiệm vượt qua những cái tầm thường.
Hơn 200 năm sau, nhiều nghệ sĩ đã quay về với những chủ đề và phong cách của trường phái Lãng mạn. Anoelm Kiefer với niềm đam mê lịch sử và huyền thoại Đức, Bill Viola với những chân dung video đầy cảm xúc. Nhưng ngày nay, có những nghệ sĩ quan tâm tới những điều cơ bản đặc thù của trào lưu này, trong phong cách lẫn chủ đề, từ những nhát cọ điên cuồng và màu sắc rực rỡ đến những chiếc tàu chìm và hình ảnh cô độc của con người trong khung cảnh thiên nhiên.
Người phụ trách Martina Weinhart của nhà Schirn Kunsthalle ở Frankfurt nói: “Cả một thế hệ nghệ sĩ trẻ có vẻ như đang làm sống lại linh hồn Lãng mạn”. Ông tổ chức “Những thế giới lý tưởng: trường phái Lãng mạn mới trong nghệ thuật đương đại” tại Schim mùa hè vừa rồi với Max Hollein. Triển lãm bao gồm những tác phẩm của 13 nghệ sĩ, từ những bức ảnh mang không khí sầu muộn của những người đàn bà trẻ trên bãi biển mờ sương của Justine Kurland cho đến những tượng rùng rợn với đồ trang sức đầu sói của David Altmejd. Weinhart nói những nghệ sĩ này đi theo những “thiên đường, cái đẹp, và chuyện thần tiên”. Kể cả những khu rừng trăng sáng trong sách truyện của Laura Owen, những bức màu nước của Hernan Bas về những người đàn ông trầm ngâm trong những phong cảnh mơ màng và những bức tranh cắt dán giấy về những tòa nhà uy nghi trong những phong cảnh tuyệt vời của David Thorpe.
Đối với những nghệ sĩ Lãng mạn thời quá khứ cũng như hiện tại,  sự hiện diện của thiên nhiên là không thể biết và không thể kiểm soát, phong cảnh là một nơi tồn tại những nhận thức của huyền thoại. Vì lý do nào đó, những huyền thoạ này nhường chỗ cho sự suy đoán không tưởng; mặt khác, chúng là nguyên nhân của sự  khủng hoảng cuộc sống. Trong khi những họa sĩ Lãng mạn thế kỷ 19 thấy phong cảnh là nơi biểu lộ cái chất hùng vĩ đầy tín ngưỡng, thì những nghệ sĩ ngày nay lại ít thiên về tâm linh hơn. Họ tìm cách mô tả sự cô lập của con người – trong một thế giới xa lạ đầy tính xã hội và kỹ thuật.
Peter Doig, cũng trong nhóm “Những thế giới lý tưởng”, thường đưa hình ảnh đơn độc trong phong cảnh của ông với những hình thức thưa thớt, mềm mại, các mảng màu trong những hình bóng vẽ bằng pastel. Ông là một trong vài họa sĩ nằm trong bộ sưu tập của Charle Saatchi về những nghệ sĩ Anh trẻ đầu những năm 1990. Trong khi những đồng nghiệp của mình tập trung vào nghệ thuật ý niệm, Doig đã tạo ra những tác phẩm lấy cảm hứng từ Friedric. “Tôi đã vẽ theo sở trường của ông ta về phạm vi và sự dằn vặt đối với hiện thực. Những bức tranh mang phong cách hiện thực, nhưng là một thế giới được sáng tạo”. Tác phẩm của Doig sẽ được triển lãm ở gallery Michael Werner và Gavin Brown’s Enterprise ở New York cuối năm nay (với giá từ 40.000 $ đến 250.000 $). Ông tạo hình ảnh bằng cách kết hợp những thành phần từ nhiều bức ảnh, tranh của ông đầy vẻ hồi tưởng và mơ mộng, nhưng cái hình dáng trung tâm thường có vẻ không hợp với phong cảnh chung quanh, mang lại một cảm giác không thoải mái. Doig nói, một trong những mục đích của ông là “với tới cái không thật”.
Martin Oppel vẽ thành phố đang lan tràn và những khung cảnh sa mạc để nối những phong cảnh trường phái Lãng mạn với những vấn đề của thế giới hiện đại, thể hiện một cảm giác thất vọng. Trong “Những ngọn đồi Miami” (2004) tại Galerie Emmanuel Perratin ở Miami năm ngoái, một bầu trời màu hồng và xanh cuộn xoáy phía trên những đống gạch đổ nát lờ mờ, với những ống khói ở phía xa. Vẻ uy nghiêm của thiên nhiên đang cạnh tranh với những sáng tạo của con người.
Ernesto Caivano đã mang những kiểu Lãng mạn truyền thống về thiên nhiên và huyền thoại kết hợp với những tàu vũ trụ và những sinh vật tương lai trong câu chuyện khoa học giả tưởng về những tình nhân bị đày đọa. Loạt tranh 300 bức vẽ bằng mực “Sau những cánh rừng” (2001 - 05) kể câu chuyện về một công chúa và chàng hiệp sĩ bị lạc mất nhau một nơi mà Caivano gọi là “vũ trụ mới”. Công chúa dùng những con chim để liên lạc với hiệp sĩ, nhưng chàng hiệp sĩ lại giết những con chim để lấy lông mà không phát hiện ra những thông tin chúng mang theo. Cuối câu chuyện, nàng công chúa biến thành tàu vũ trụ và chàng hiệp sĩ biến thành bộ đồ du hành. Đó là một thiên sử thi về sự thất bại trong sự giao tiếp.
Những nghệ sĩ khác sử dụng trực tiếp những hình ảnh bi kịch từ thế kỷ 19. Dan Ford vẽ những bức họa về biển với hiểm họa báo trước đầy cảm xúc, đặt thêm vào những đồ chứa dầu bị chìm hay những tàu chở dầu ngập chìm trong khói đen. Ford nói ông ta đang cố gắng kéo sự chú ý phi thương mại giữa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Ryan Taber trộn lẫn những yếu tố từ những bức tranh khoa học của những họa sĩ Lãng mạn Mỹ – như những họa sĩ trường Hudson River, Thomas Cole, Albert Bierstadt và Frederic Edwin Church – với những nội dung lịch sử nghệ thuật khác. Trong một công trình điêu khắc, phiên bản phóng lớn của tảng đá non bộ Nhật Bản có mô hình của một con tàu Norse và cảnh một tranh nhà thờ. Taber rất thích khám phá những vật có vẻ bên ngoài khác so với nội dung gốc của nó, nhưng ông cũng cố gắng chỉ ra sự liên lạc giữa những trào lưu lịch sử.
Đối với Whitney Bedford, đó là “những hình ảnh khải huyền” của những nghệ sĩ Lãng mạn ngày nay. Mang một trong những phong cách chính yếu của thế kỷ 19, cô vẽ những con tàu đang đáp vào trong những vũng sơn của lối vẽ đắp “Chất sơn tự nó đang cố nhấn chìm con tàu”. Với những màu sền sệt , những bức tranh này vừa lạc quan vừa đầy vẻ chết chóc, vừa rạng rỡ vừa u sầu. Đó là tính hai mặt mà những nghệ sĩ Lãng mạn mới luôn mang trong lòng như những bậc tiền bối của mình.
Tranh của Whitney Bedford

Phạm Văn Đức dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét