Tuy trào lưu “Văn nhân họa” do Tô Đông Pha khởi xướng
ra đời, cổ vũ cho cảm xúc riêng tư của họa sĩ nhưng trong kĩ thuật thể hiện của
Tô Đông Pha, Văn Đồng, Lương Kh ải
(những đại biểu chính của “văn nhân họa” đời Tống) cũng chưa có gì được gọi là
cách tân. Sau đó, cả đời Nguyên và Minh, hội họa Trung Hoa không có gì mới lạ
ngoài việc sao chép tranh của tiền nhân.
Chỉ đến thời Bát Đại Sơn Nhân (1625 – 1705) và Thạch
Đào (1641 – 1717) trở đi người ta mới nhận thấy không nên có phép tắc gì cho
nghệ thuật hội họa chân chính. Hình thể trong tranh của Bát Đại Sơn Nhân vừa
như thực, vừa như hư, vừa như hiện hữu rõ ràng, vừa như mờ ảo trong tiềm thức.
Nhìn tranh của ông, ta chợt mơ hồ nhận thấy cái bản thể sinh động của sự vật, cái
bản nhất vô thường của vũ trụ. Bát Đại Sơn Nhân đã cởi bỏ tấm áo lùng thùng của
hội họa ra để lộ thân hình đầy sức sống của nó. Nếu so sánh với hội họa phương
Tây thì tranh của ông vừa mang tính biểu hiện (expressionism) và vừa trừu tượng
(abstractionism). Về bút pháp, ông phá bỏ những quy tắc dùng “mực vỡ” quen
thuộc của Nam Phái, cũng không dùng “mực mảng” của Bắc Phái. Ông chỉ gợi lên
những đường nét và mảng chấm phá vừa đủ để thể hiện “ý” (chứ không phải
“hình”), cách thể hiện này gần với trường phái biểu hiện ở phương Tây sau này.
Mặt khác, các đường và mảng ấy quan hệ tương tác với nhau để tạo ra bố cục
tranh, cũng giống như cách thể hiện của trường phái trừu tượng.
Sau đây tôi sẽ phân tích một số bức tranh của Bát Đại
Sơn Nhân.
Bức “Hoa cúc”
Ông không cầu kì vẽ đúng và vẽ nhiều cành, lá, hoa mà
chỉ đưa một nét để thể hiện thân cây, dùng vài mảng chấm nhỏ để thể hiện lá, vài
nét mực vỡ để thể hiện hoa ẩn giấu trong lá. Đường nét của bức tranh rất đơn
giản, bình thản nhưng mang lại một hiệu quả sinh động, trong sáng…
Bố cục của bức tranh cũng rất kì lạ, một chấm nhỏ bên
phải dùng để đối trọng với toàn bộ hoa lá bên trái, vậy mà thị giác của người
xem vẫn không bị hút hoàn toàn về bên trái, cũng không sang bên phải, nhưng
cũng không cân bằng. Điềm hút thị giác của người xem không tồn tại mà lại như
tồn tại đâu đó trong tranh.
Bức “Cây sậy và
những con ngỗng trời”
Bát Đại Sơn Nhân dùng các mảng mực nhỏ có sắc độ để tả
nét luôn nên trông gần giống như kĩ thuật mực vỡ, nhưng thực ra lại không phải.
Vì không có nét mực vỡ nên hình ảnh của ba con ngỗng phía dưới được lẩn khuất
trong đất và cây làm nổi bật con ngỗng đang bay ở trên. Giữa những con ngỗng ở
dưới đất và con ngỗng đang bay tác giả để một khoảng trống để người xem suy
ngẫm bọn ngỗng này đang trò chuyện gì với nhau. Con thì cúi đầu xuống, con thì
ngước đầu nên, xem ra đang nói chuyện quan trọng đây! Một khoảng trống giữa
tranh thật huyền diệu, một sự im lặng trong chuyển động vội vã của con ngỗng.
Còn cây sậy chỉ được thể hiện một phần gốc và một phần cành lá rủ xuống nhưng
cũng đủ để gợi lên một cách mơ hồ hình dáng và chuyển động của nó.
Điểm hút thị giác không ở trên, không ở dưới, nhưng
cũng không ở giữa, vậy mà ta vẫn cảm thấy nó ẩn khuất đâu đó.
Bức “Hoa sen và
mây”
Bức tranh này rất giống một bức tranh trừu tượng. Chẳng
thấy sen ở đâu, vậy mà mây thì lại tưởng là lá sen, nhìn một lúc sau thì cảm
thấy hình như đây là một con công đang múa. Cấu trúc nét và mảng liên kết với
nhau chặt chẽ, không sơ sài mà cũng không phức tạp. Các nét vừa chắc khỏe rõ
ràng, vừa tự do nổi loạn.
Một đường khoanh tròn cũng đủ gợi nên nụ sen, bốn mảng
chấm cũng đủ tả một bông sen đang tan rã, vậy mà phải cần rất nhiều các mảng
mực nhòe ướt đè nên nhau để tả lá sen. Nhưng cũng chính vì cái mảng mực hỗn độn
ở phía trên bên trái mà điểm hút thị giác lại một lần nữa bị rơi vào hư vô. Thật
kì diệu! Không đơn giản mà không phức tạp, không rõ ràng mà không hư ảo…
Không hiểu ta nên buồn hay nên vui khi xem bức tranh
này, một sự sinh sôi đang bắt đầu nảy nở hay một sự tàn phai đang uể oải trôi
theo dòng nước? Không thể nào xác định được, vậy mà hình như nó vẫn xuất hiện đâu
đó quanh đây. Không nghi ngờ gì nữa, Bát Đại Sơn Nhân là một họa sĩ thiền tài
ba nhất.
Bức “Cảnh núi
mùa thu”
Không ngồn ngộn các đường nét hoành tráng tả khối núi
như Đường Dần hay Vương Huy ,
không mềm mại uyển chuyển như Quách Hy hay Triệu Mạnh Phủ, không biến chuyển
sắc độ gần xa như Lí Thành hay Hạ Khuê… Bát Đại Sơn Nhân có cách thể hiện thật kì
lạ: chỉ gợi đủ nét, đủ sắc độ, dùng nét đậm nhạt (chứ không phải mảng đậm nhạt)
và số lượng nét có tỉ lệ (chứ không bất ngờ hạ thấp số nét) để tả gần xa. Cái
không khí sống động trong tranh mạnh mẽ, đồng thời vẫn thể hiện được trầm lắng
của núi (chứ không cố tình tạo một cảm giác ngùn ngụt trập trùng như các họa sĩ
khác).
Cách ông bố cục mạch núi theo đường thẳng thật khác
thường: không theo qui tắc đóng mở phải trái ngoằn nghèo hoặc đâm chéo, hoặc
trải ngang. Ông sử dụng cây và đá để làm nhịp điệu cho mạch núi (vốn là cái khí
vận của tranh sơn thủy). Vì vậy mà cây trong bức tranh không nhiều, không ít,
đủ để tạo nên một không khí sống động thống nhất trong toàn bộ bức tranh. Một
bức phong cảnh lớn như vậy mà ngay cả một cái cây, một hòn đá cũng không bị
thừa.
Bức “Bình hoa”
Nét bút vừa như rất lão luyện mà lại lãng mạn mộc mạc.
Đường nét của bình hoa tạo cho ta cảm giác đây là một bức thư pháp: đơn giản mà
vẫn đủ độ cong, đủ độ thẳng, đủ độ nhấn, đủ độ mờ. Vài mảng mực đậm tự do chồng
lên nhau cũng đủ gợi lên hình ảnh một bông hoa tươi tắn, đang độ viên mãn. Một
nét mực khuyết cũng đủ gợi lên một không gian bóng đổ phía sau. Những cánh hoa
mảng đậm hình chữ nhật thống nhất với bình hoa gợi hình chữ nhật, nhưng mặt
khác lại tương phản nhau về đậm nhạt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét