Bức “Đá, hoa và
cỏ dại”
So với Bát
Đại Sơn Nhân, Thạch Đào dùng nhiều nét hơn (có thể nói là hơi thừa nét) nhưng
lại có khí lực mạnh mẽ hơn. Mỗi ngọn cỏ, bông hoa đều có sức sống riêng của
mình nhưng tất cả thống nhất với nhau thành một thể. Nhiều nét đậm nhạt, dài
ngắn, dày mỏng, vặn vẹo khác nhau mà không hề loạn. Tư thế chuyển động của mỗi
thành phần trong tranh cùng nhau gợi lên cảm giác một cơn gió đang thổi. Ngọn
gió lan tràn toàn vũ trụ, chạm vào từng ngọn cỏ, đóa hoa.
Bức “Sen”
Cách thể hiện của bức tranh này nói riêng và phong
cách thể hiện của Thạch Đào nói chung rất tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ, sống
động. Mới nhìn thì tưởng là hỗn loạn nhưng thật ra rất tự nhiên, chặt chẽ và
thông suốt theo nhất họa pháp. Các đường nét của đất đá, của hoa sen, của lá
sen, của cỏ dại đều liên hệ với nhau, tương đồng với nhau. Bạn có thấy những
nét hình chữ “V” thấp thoáng ẩn hiện trong toàn bộ bức tranh không?
Bức “Cảnh núi”
Lần đầu tiên
trong lịch sử tranh núi Trung
Hoa có một cách thể hiện lạ lùng, táo bạo như vậy. Thạch Đào
dùng các nét mực vỡ nhạy cảm thể hiện gân núi và dùng các chấm tròn nhỏ để tả
sắc độ. Tất cả các chấm nét đều tự do, không loạn mà cũng không nguyên tắc.
Hình ảnh các ngọn núi hiện ra không phải là “hình núi” mà là “ý núi”. Rất biểu
hiện!
Trong am nhỏ là một cư sĩ (hoặc đạo sĩ) đang ngồi chơi
cổ cầm. Thạch Đào tả núi hay là tả tiếng đàn? Từng tảng đá, từng ngọn núi như
thể là những con sóng dồn dập ngòai biển cả, trào dâng miên man trong tiếng đàn
tranh trầm hùng ngất ngây. Núi, biển, đá, sóng, nhạc, và người hợp lại là một.
Cái bản thể của vũ trụ ẩn hiện, lan tràn khắp nơi.
Tranh mà không phải tranh. Nhạc mà không phải nhạc.
Bức “Hoa đào ven
sông”
Các mảng mực
màu tự do hỗn loạn chèn lên nhau để tả một bờ sông mùa xuân đầy sức sống ẩn
hiện chơi vơi trong sương mù. Xa xa là ngọn núi lam vẫn còn lạnh để làm tương
phản với không khí ấm áp náo nhiệt của bờ sông.
Một bố cục
phóng khoáng mà chặt chẽ, đơn giản mà đa ý, khác biệt mà thống nhất, tương phản
mà chuyển hóa. Thật kì diệu!
Bức “Thác nước ở núi Lư”
Thạch Đào thì tạo một không gian mờ ảo trong làn
sương mù, cảnh vừa thực vừa hư, vừa ẩn khuất vừa hiển hiện, có nhịp điệu và
tiết độ. Thác nước, núi và cây bị nhòe vào sương mù nhưng thế núi vẫn hùng
dũng. Ông dùng
các mảng mực để gợi hình ảnh, đôi khi dùng nét vỡ để thể hiện gân núi khỏe
khoắn. Nhìn tranh ta thấy không khí hơi nuớc lan tràn khắp nơi, thậm chí
có thể ngửi thấy cả mùi hơi nước bốc lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét