Bức này tôi vẽ bằng mực trên giấy dó
Phú Vạn Kiếp
Sáu con sông: Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh
Thầy, Thái Bình hội tụ vào một nơi, gọi là Lục Đầu Giang, linh khí bao trùm cả
một vùng châu thổ.
Ở chỗ thung lũng ba phía núi Rồng bao yểm, hai bên tạo thế rồng chầu hổ
phục, trước là minh đường của Lục Đầu Giang uốn vào, thật là một địa thế trời
cho để dựng nghiệp lớn.
Đức Thánh Trần cách đây gần tám trăm năm ra đời
tại Vạn Kiếp, sau dựng phủ đệ và nơi đóng quân, khi qua đời bảy mươi hai nấm mộ
thật giả rải rác khắp nơi này.
Xưa, hàng trăm anh hùng khắp nơi về đây tụ nghĩa,
làm môn khách dưới trướng của Đại Vương.
Phạm Ngũ Lão một trang hào kiệt văn võ song toàn,
Trần Thì Kiến nổi danh tài hùng biện,
Trương Hán Siêu học vấn cao sâu, mà tài văn chương
ít ai sánh kịp,
Yết Kiêu có biệt tài bơi lặn, mà lòng trung kiên
hậu thế vẫn noi theo,
Những môn khách khác như Dã Tượng, Ngô Sĩ Thường,
Trịnh Dũ, Phạm Lãm, Nguyễn Thế Trực, Nguyễn Địa Lô… đều là những anh hùng cái
thế, công lao trong sử sách vẫn ghi.
Nay, ta đứng trước cổng đền Kiếp Bạc, ngước nhìn
bốn chữ "Hưng Thiên Vô Cực",
ngắm cảnh núi sông hiền hoà trầm mặc mà ẩn tàng sức mạnh bền sâu, nghĩ lại đất
nước trải qua bao phen lầm than bởi bọn ngoại xâm và bè lũ trong nước bạc nhược
nhưng thời nào cũng có hào kiệt đi ra từ nhân dân, từ linh khí non sông, xúc
động nhớ Đại Vương từng nói: "khoan
thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Ta lại nhìn hai vế đối ở hai bên cổng đền của cụ
Vũ Phạm Hàm:
"Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm
khí
Lục Đầu vô thuỷ bất thu
thanh"
nghĩ thế sông núi hiểm trở linh thiêng, anh hùng ẩn phục khắp chốn dân gian,
vậy mà sao cứ phải chịu nghịch cảnh bị o ép?
Những mảng tường nơi cổng đền tróc lở,
những bãi phân trâu ngang ngổn khắp sân đường,
những quán hàng xấp xê ghế bạt,
những tiếng mời chào dai dẳng cuộc mưu sinh.
Tất cả cuốn theo nhịp sống thường ngày, quên rằng:
Nằm sâu dưới sân bê tông là gươm đao và những cánh
tay Sát Thát,
Trong bùn đen vẫn tanh máu giặc Nguyên Mông.
Bến sông đây ba quân reo hùng khí ngất trời,
Bãi lau kia từng vang lời Hịch tướng sĩ:
“Ta thường
tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận
chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi
ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm”.
Khi ấy, giặc Mông Cổ làm cỏ một nửa thế giới,
khí hung hăng hòng nuốt chửng Đại Việt ta,
nhưng non sông ta sâu hiểm, nhân tài cái thế,
uy dũng phi phàm vượt khỏi sự nghi ngại tử sinh,
Đại Vương làm yên lòng hoàng đế: “Bệ hạ chém đầu thần trước rồi hãy hàng”.
Đoàn kết nhân dân, đồng lòng tướng sĩ,
phép dụng binh có sẵn chiến lược lâu dài,
quân sĩ hùng hổ giao tranh,
hào khí Đông A ngùn ngụt khắp chiến trường.
Bến Vạn Kiếp,
bản hùng ca dậy chí vạn kiếp người.
Ngẫm vận khí của một quốc gia,
lúc thịnh lúc suy cũng là chuyện dễ hiểu.
Phát triển hùng cường rồi đến kì khủng hoảng,
qua kiếp nạn rồi đến dịp khải hoàn ca.
Nếm mật nằm gai chỉ dài trong mấy khắc,
mà đỉnh vinh quang cũng tựa như lúc ăn một bát phở ngon.
Nhưng cuộc đời cứ âm thầm diễn ra như thế,
lẽ hưng vong tự nhiên mà bại, mà thành.
Vòng quay lịch sử hút chí anh hùng bôn tẩu,
sóng Lục Đầu Giang cuốn những cuộc tỉ thí tang bồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét