20/9/12

Bố cục lớp cảnh trong tranh Hokusai


Để tạo chiều sâu cho tranh phong cảnh thì người vẽ thường chọn các cách thể hiện sau: tạo các đường về phía chân trời hoặc tạo các lớp cảnh đè lên nhau, hoặc kết hợp cả hai. Tranh phong cảnh châu Âu vì chú ý đến luật phối cảnh và hội họa Trung Hoa vì coi trọng dòng khí trong tranh nên họ hay sử dụng các đường liên hệ theo chiều sâu. Nhưng khi xem tranh Nhật Bản, đặc biệt là tranh khắc gỗ, tôi thấy họ thường tạo cảm giác tương phản gần xa qua các lớp cảnh.

Giả sử coi tờ giấy trắng dùng để vẽ là Mở thì lớp cảnh gần nhất sẽ là Đóng, nó để lại khoảng trống sau lớp cảnh tức là Mở. Rồi ta vẽ lớp cảnh thứ hai lên chỗ trống sau mảng gần nhất thì sẽ được một lớp Đóng thứ hai. Lớp cảnh này, đến lượt nó, lại tạo một khoảng Mở sau nó…Và cứ như vậy ta sẽ có các lớp cảnh đóng mở liên tục đến khi nào không đử sức vẽ nữa thì thôi. Vì các lớp cảnh xen kẽ nhau liên tục và không có đường liên hệ chiều sâu dẫn dắt nên ta rất khó xác định đâu là điểm hút thị giác, kết quả là bức tranh tạo cho ta vừa có cảm giác gần, vừa có cảm giác xa. Cái không gian của tranh được tạo ra là nhờ bố cục tương quan giữa Mở và Đóng. Lưu ý, đây là cách đặt tên “mở đóng lớp cảnh” của tôi chứ không giống như cách định danh “đóng mở khí” của Thẩm Tông Khiên mặc dù đều từ nguyên tắc Âm- Dương mà ra cả.

Tôi sẽ dùng một số bức trong tập tranh khắc gỗ “Bốn mươi cảnh núi Phú Sĩ” của Hokusai để phân tích cấu trúc không gian. Trong các ví dụ dưới đây ta khó có thể xác định rằng Hokusai muốn tả cảnh sinh hoạt ở gần hay là cảnh núi Phú Sĩ phía xa.


Bức “Vượt đèo Misimagoe”
Cây cổ thụ được đóng ngay ở giữa tranh để tạo không gian mở ở hai bên. Ở lớp cảnh thứ hai có có tảng đá đóng ở bên trái, ở lớp ba có núi Phú Sĩ đóng. Cách đóng ngay ở giữa như thế này được dùng rất ít vì nó tạo ra tâm lí tức mắt cho người xem. Tuy nhiên trong trường hợp này Hokusai đã thành công khi ông muón tả một cây cổ thụ sừng sững.



Bức “Sóng biển ở Kanagawa”
Lớp một của bức “Sóng biển ở Kanagawa” được đóng bởi con sóng nhô lên hình ngọn núi. Lớp hai được đóng bởi con sóng dữ tợn chồm lên. Lớp ba được đóng bởi con thuyền nhỏ phía xa. Lớp bốn được đóng bởi ngọn núi Phú Sĩ. Các lớp cảnh tuy nằm ở độ sâu khác nhau nhưng lại bố cục đan xen vào nhau, tương tác lẫn nhau mặc dù không có đường liên hệ giữa chúng.  Thực ra ở đây Hokusai có sử dụng thủ pháp “láy” trong hội hoạ (một từ tôi mới nghĩ ra, ke ke), đó là “láy” (hay gợi lại) hình ảnh của núi trong sóng, hình ảnh của sóng trong mây.



Bức “Cầu Mannen ở Fukugawa”
 Lớp cảnh đầu tiên rất đặc biệt, đó là những nét cầu đóng một cách nhẹ nhàng mỏng mảnh để mở một không gian rộng lớn phía xa, nơi có núi Phú Sĩ đóng ở đó. Chiếc cầu vồng cao lên tạo ra một khoảng trống ở giữa để thị giác huớng vào,  như thể một phong cảnh được nhìn qua khung cửa sổ.



Bức “Bãi biển Tagonoura”
 Hokusai tạo ba lớp cảnh tách hẳn nhau ra bằng các mảng màu đều xen giữa, đó là bãi biển (tách lớp cảnh bắt cá và cảnh làng chài) và mây (tách lớp cảnh làng chài và lớp cảnh núi Phú Sĩ). Tuy nhiên một lần nữa ông sử dụng thủ pháp “láy” để nối các lớp cảnh thành một thể thống nhất: hình núi “láy” hình thuyền, hình mây “láy” hình bờ biển. Bức tranh như một bài thơ vậy!






Bức “Làng Hodogai”
 Hokusai tạo lớp cảnh gần gồm cảnh sinh hoạt và các thân cây bao trùm toàn bộ bức tranh. Rồi ông hướng thị giác của chúng ta ra ngòai cái cuộc sống nhộn nhịp bằng hình ảnh núi Phú Sĩ ầm thầm và mạnh mẽ như một giáo chủ ở lớp cảnh phía xa. Ở bức tranh này họa sĩ lại tạo mối liên hệ giữa các lớp cảnh bằng nhịp điệu : nhịp điệu trong hành động của nhóm người, nhịp trong tư thế của các cây, và nhịp của mảng tuyết phủ phía xa. Bức tranh gọi cho ta một bản nhạc gồm ba bè âm: bè trầm nhỏ (cảnh núi phía xa), bè cao và sống động (hàng cây), và bè trung có cường độ mạnh và tự do (cảnh sinh hoạt con người). 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét