20/9/12

Tranh của Zeshin Shibata


Zeshin Shibata (1807-1891) xuất hiện trong bối cảnh nước Nhật giao thời giữa giai đoạn Edo và Minh Trị nên tranh của ông có nét khác thường khi so sánh với các họa sĩ cổ điển khác cũng như với các họa sĩ hiện đại sau này (bị ảnh hưởng hội họa phương Tây). Xét về vai trò lịch sử, ông là một họa sĩ tiên phong đổi mới trong thời kì Minh Trị duy tân, một nhân vật có một không hai trong lịch sử hội họa Nhật Bản. Zeshin xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, bố là một nhà điêu khắc, nên bác ta có dịp tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật tạo hình truyền thống từ nhỏ. 

Bức “Thác nước”


Gọi là thác nước mà không thấy thác nước ở đâu, chỉ thấy những tảng đã lởm chởm ẩn hiện tự do trên mặt tranh (thực ra vẫn còn vài nét mờ thể hiện nước lồng trong đá, nhưng xét bố cục trong tranh thì nó không có vai trò gì). Bức tranh tự nó đã giải thoát khỏi những khái niệm ngôn ngữ thông thường, ngôn từ không thể nào cản nổi sự vi diệu đang lan tỏa trong nó. Ta không thể nhìn thấy nước nhưng nhờ vào sự sắp xếp của các tảng đá mà ta cảm nhận thấy một thác nước đang ào ào trút xuống, bọt tung trắng xóa, rồi trắc trở luồn qua những khe đá.


Bức “Quả hồng và những con kiến”


Nếu như nhìn vào tên của bức tranh (“Quả hồng và những con kiến”) thì ta sẽ thấy hình ảnh của quả hồng và những con kiến nhưng khi nhìn kĩ ta thấy hình tròn màu đỏ được vẽ đều, không gợi khối nên nó bật ra khỏi màu đen, tạo ra hình ảnh mặt trời ở phía xa. Không nghi ngờ gì nữa, Zeshin vẽ quả hồng mà kết quả tạo thành là một cái khác. Khái niệm “quả hồng” trong cấu trúc nhận thức bị phá vỡ!


Bức “Cảnh biển”


Zeshin vẽ núi ở gần có đầy đủ sắc độ đường nét nhưng cây cổ thụ thì được diễn tả chỉ bằng một sắc độ mực đậm đồng đều. Cách thể hiện như vậy gợi lên trong chúng ta cảnh hoàng hôn mùa thu, và hướng nhìn của tác giả từ dưới nhìn lên bầu trời. Nhưng…Ô hay, sao lại có cái thuyền ở trên bầu trời thế này? Ồ không, đó không phải là bầu trời mà là biến, bức tranh tên là “cảnh biển” mà! Thì ra biển và trời hòa vào nhau không thể nào phân biệt được. Người thì bảo đó là trời, kẻ thì bảo là biển, vậy mà nó chẳng phải là biển, cũng không phải là trời. Nó chỉ là cái tâm giả của ta mà thôi.


Bức “Phong cảnh”


Chỉ cần vài nét vẽ mà Shibata gợi lên được hình ảnh những đỉnh núi mây và tuyết phủ trắng, một rừng cây bắt đầu đâm chồi nảy lộc trong buổi sáng mùa xuân. Rõ ràng, họa sĩ khi vẽ phải ở một trạng thái tĩnh tâm hoàn toàn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét