20/9/12

Đột biến trong bố cục tranh


Trong khi ta vẽ có thể sẽ xuất hiện một sự thay đổi khác hẳn với suy tính ban đầu về bố cục và tư tưởng. Sự đột biến trong bố cục tạo ra một cảm giác hết sức sảng khoái vì nó cho ta thấy rằng không có một quy tắc nào về bố cục; sự đối lập hay chuyển hóa giữa các thành tố sẽ không còn ý nghĩa. Và tác phẩm lại tràn đầy hưng phấn, thoát ly khỏi suy tính lý trí ban đầu.

Ví dụ về bức “Trúc” của Ngô Trấn. Sau khi vẽ xong cành trúc trước gió rất sống động, tác giả viết một bài đề khá dài ở bên trái, phá tan bố cục trung tâm của cành trúc. Tác phẩm trở nên hết sức thú vị.



Còn dưới đây là tác phẩm “Cổng mây” của Anish Kapoor được đặt tại Công viên Millennium ở Chicago. Hãy nhìn xem, giữa một không gian đô thị khô cứng với các khối hộp xuất hiện một khối hình kì dị, phản xạ không gian kiến trúc méo mó bằng lớp kim loại sáng trên bề mặt. Tác phẩm điêu khắc này không đơn thuần chỉ là ý tưởng nghệ thuật mang hơi hướng giải cấu mà còn có giá trị nhân bản, nó gây cảm hứng thú vị cho con người trong không gian đô thị cứng nhắc. Cấu trúc vững chắc của những khối nhà vuông vắn đã bị phá vỡ.



Ở tác phẩm “Đường cong chủ đạo” của Kandinsky ta thấy có nhiều yếu tố đột biến trong nó. Hình chữ nhật ở bên trái, ba hình tròn ở bên phải, một đường cong kì dị ở trung tâm, một màu đen nổi bật trên một tông màu khá hài hòa, rồi hình bậc thang tưởng như chẳng ăn nhập gì với bố cục. Tất cả đều mang một khát khao đột biến, có lẽ đó chính là cái làm nên sự liên kết trong bức tranh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét