7/10/12

Tiếu Chi Khốc Chi

Tiếu Chi nói về tranh Bát Đại Sơn Nhân


Nửa đêm trằn trọc không sao ngủ được, trong đầu toàn những thứ ảo tưởng. Kỷ niệm tràn về như thác đổ…chẳng hiểu vì sao bất chợt nghĩ tới Bát Đại. Định mệnh như được xắp đặt sẵn đối với cả một dân tộc, với một kiếp người đang ở nơi lầu son gác tía nay phải mang trên mình nỗi mặc cảm mất nước, nỗi mặc cảm trở thành một nô lệ. Bát Đại không chấp nhận điều đó. Xuống tóc đi tu, hơn bốn mươi năm xuất gia, việc hành thiền tu đạo của Bát Đại chẳng phải ở việc niệm kinh tọa thiền, mà dùng bút mực viết nên ba ngàn thế giới. Ba ngàn thế giới với hỉ nộ ái ố thường tình. Cái cảnh giới mà Bát Đại đạt tới nào phải những kẻ phàm phu tục tử có thể hiểu nổi.

Bát Đại sở trường vẽ hoa sen. Sen nở có, sen tàn có. Dẫu tàn hay nở vẫn đầy thần ý. Lá còn kỳ diệu hơn, từng mảng một như chiếm lấy toàn bộ không gian, mà ở bên cạnh đó lại là một nụ sen còn chơm chớm. Thân sen cao vút lên như đâm thẳng lên trời, như không vướng một chút bụi nào nơi trần ai ô trọc này. Nhưng đôi lúc có cả sự náo nhiệt đến ồn ào như trong tranh Hà thượng hoa ca đồ. Mỗi cành cây mỗi ngọn cỏ, mỗi cánh hoa như đang đua chen với nhau trong một bản hòa ca của thiên nhiên vốn dĩ đã trầm mặc. Nhưng có lẽ những bức tranh như thế là không nhiều. Cũng như hình ảnh của một chú mèo đáng yêu đến lạ kỳ này quả thực sự là khó tìm.


Nhắc đến chim hay cá được thiền sư vẽ nên thì đều có một đôi mắt lạnh nhạt, run rẩy sợ hãi, hay chăng đang chuẩn bị tấn công đối phương. Tôi không cho những điều đó là hoàn toàn đúng, đó có thể là những đôi mắt lạnh nhạt, có những lúc run rẩy, có căm thù nhưng tất cả điều đó chỉ là một thứ biểu thái – một phương thức biểu đạt cảm nhận chứ không hề có ác ý, không hề có một chút lòng sát thương nào đối với những kẻ khác.

Và chắc hơn…Chỉ nên nhìn thôi…cả ngàn vạn lời nói đều trở nên vô nghĩa, ngôn ngữ đã chết ngay khi ánh mắt gặp ánh mắt, nơi khởi đầu và cũng là điểm kết thúc của tất cả. Đó là ánh mắt của Bát Đại chăng? Đó là những gì Bát Đại muốn nói chăng? Tôi không biết nếu trong mơ của mình khi tôi nhìn thấy những ánh mắt đó tôi sẽ làm gì, nếu như tôi là cá thì những ánh mắt cá mang linh hồn của Bát Đại kia bơi qua tôi, tôi sẽ thế nào…tôi không biết…và chắc chắn không bao giờ tôi biết được…
Một mảng trống khác mà người ta không quan tâm đến trong tranh của Bát Đại đó là sơn thủy. Tranh sơn thủy của Bát Đại không nhiều. Đa phần là từ sau giai đoạn trung niên trở đi. Nối tiếp mạch truyền của Đổng Kỳ Xương, Hoàng Công Vọng… vẫn trời đất đấy mà cảnh ngộ ở đây không phải là cảnh người thường thấy được. Hoang vu tịch liêu tới khôn cùng, bóng tăng không có, đạo sĩ cũng không, kẻ thuyền chài, người đốn củi cũng bặt tăm…họa chăng có vài căn nhà, một mái đình lẻ loi…Có lẽ chỉ trong tiên cảnh mới có được. Cùng là vương tôn quý tộc chung huyết mạch, cùng là một di dân nhưng Thạch Đào khác hoàn toàn với Bát Đại. Thạch Đào ồn ào huyên náo. Từ mầu sắc, từ không gian, tất cả đều toát lên một tinh thần nhập thế của Thạch Đào. Mỗi người một sở ngộ, mỗi người một cá tính. Và bởi đó, ta nhìn thấy nhiều Bát Đại từ gốc cây, ngọn cỏ, từ bờ đá rong rêu hay qua ánh mắt của chim muông nơi sơn dã……trong một Bát Đại bất biến.

Bát Đại Sơn Nhân dùng bút pháp giản luyện, bút tới ý tới, bút dừng ý chưa dừng… không gian kỳ lạ, đơn giản mà truyền thần. Đây cũng chính là ảnh hưởng sâu đậm của thiền họa. Tranh không lấy nhiều, cốt lấy ý làm trọng. “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” …cả ba ngàn thế giới này trong một hạt cải mà thế giới không nhỏ đi, hạt cải cũng không lớn lên… cảnh nhìn thấy là cảnh thực mà cũng là cảnh phi thực, cái sở tri cũng là cái phi sở tri.
Bát Đại là tăng chăng? Là nho chăng ? là đạo chăng ? Là kẻ điên chăng ? Là tăng cũng phải, là đạo cũng đúng…cái nhìn xuyên suốt “duy ngã độc tôn” đã thấm đẫm trong lòng Bát Đại. Thạch Đào bảo đó là sự Liễu pháp…liễu pháp rồi thì pháp là pháp mà cũng không còn là pháp…trong trói buộc mà không còn trói buộc, trong quy củ mà không còn quy củ…để rồi chỉ còn không không mà thôi.
Không biết phải đánh giá thế nào về con người vĩ đại ấy. Nếu tìm một người có thể sánh với Bát Đại chắc tôi không ngại ngần khi chọn Vincent. Cả hai có chung một sự điên cuồng. Cả hai người cùng nhìn thấy hình bóng mình qua những đường nét, cùng nhìn thấy thế giới của mình qua từng ngọn cây. Họ vẽ lên những gì họ nhìn thấy, dẫu rằng những điều họ nhìn thấy có thể không phải là hiện thực. Hai con người ấy họ cách nhau là cả một khoảng không như vô tận của lịch sử, khoảng trời cách biệt giữa Đông và Tây nhưng họ phải chăng đã gặp được nhau ?

http://bmt.thuhoavn.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét