24/9/12

Vincent Gille - Siêu thực là một cuộc cách mạng


Thiên hạ chưa bao giờ thấy nhiều tác phẩm siêu thực đến thế, chưa bao giờ nói nhiều về siêu thực đến thế, chưa bao giờ viết nhiều về siêu thực đến thế. Bằng chứng là tiểu luận Mary Ann Caws vừa xuất bản, Chủ nghĩa siêu thực [1] , các cuộc triển lãm "Nhìn lại Max Ernst" tại Bảo tàng Metropolitan (MET), New York, và "Paris và các nhà siêu thực" tại Trung tâm Văn hóa đương đại, Barcelona. Ta còn không quên hai cuộc triển lãm lớn, "Siêu thực: Ước vọng Vô bờ" tại bảo tàng Tate Modern, London (2001), và tại MET (2002), và "Cuộc cách mạng siêu thực" tại Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật hiện đại, Paris (2002), đều đã lôi cuốn rất đông người.

Đứng trước sự tràn lan những ấn phẩm và triển lãm ấy, đặt vấn đề cách nhận thức chủ nghĩa siêu thực có lẽ cũng là điều chính đáng. Làm sao người ta có thể biến một cuộc phiêu lưu đan dệt bằng tình yêu, bằng chiến đấu, bằng đam mê, hi vọng và tuyêt vọng, thành một sự kiện văn hóa chuyển tải được, thành một mảng lịch sử, một danh mục các tác phẩm, một bộ sưu tập? Không gì khó hơn là đưa ra một hình ảnh đúng thực về chủ nghĩa siêu thực, tôn trọng toàn diện những tranh chấp của nó, giữ nguyên những hạn chế "vô biên giới" của nó, phục hồi phong trào này trong hào quang trọn vẹn những lầm lạc, những mâu thuẫn của nó, trong sự dày đặc những tra vấn nghệ thuật, xã hội, chính trị của nó. Không gì khó hơn là không mất hướng trên đường đi, không ngăn chặn lời nói hay động tác, giữ mở rộng cánh cửa của tuyệt vời...

Nếu không thể phục hồi toàn vẹn ngọn lửa – chói lòa và phù du, di động và mong manh – thì còn lại gì? Trong bối cảnh bảo tàng hay đại học của bộ môn lịch sử nghệ thuật, làm sao chủ nghĩa siêu thực có thể hiển hiện, khi nó đồng thời là một phong trào nghệ thuật, một cơ hội lịch sử chính trị và một phiêu lưu đắm say nhân tình. Thực tế thì như thế, nên tất nhiên cái nhìn hình thức và thẩm mĩ lướt thắng hai cái nhìn kia. Mặt chính trị bị tống xuất, cho là không thích đáng đối với các hình thức.

Thế nhưng, tiêu hủy như thế mọi dấu vết các lập trường chính trị của chủ nghĩa siêu thực chính là phản lại tuyệt đối đối với ngay bản chất của nó và đối với những tác phẩm nó đã phát sinh. Đi đến chỗ, như Mary Ann Caws, đưa Guernica của Picasso vào phần "Mê sảng" trong sách của mình, kẹt giữa Khẩu đại liên vô tội của Hans Bellmer và Kẻ giả cách của Dora Marr. Tránh nói đến hành động, đó là gỡ bỏ ước mơ và nổi loạn, vô hiệu hóa chúng. Hay khiến chúng chỉ là trò giải trí: "Những người trong số các nhà thơ và các nghệ sĩ hiện đại (...) một cách rất ý thức khao khát hành động cho một thế giới mới, cho một thế giới tốt đẹp hơn, bằng bất cứ giá nào phải đi ngược cái dòng lôi kéo họ chỉ còn là những kẻ giải trí tùy tiện cho bọn trưởng giả (họ từng toan tính biến Baudelaire, Rimbaud đã chết, thành những nhà thơ công giáo) ", như lời Breton trong tập Lập trường chính trị của chủ nghĩa siêu thực.

Guernica - Picasso

Khi đi vào lịch sử, trong mắt các nhà phê bình, chủ nghĩa siêu thực đã mất đi cái áo choàng đen lớn của nổi loạn và hài hước của mình, cơn cuồng nộ niên thiếu vĩnh hằng của mình, ước vọng khẩn thiết đổi thay thế giới của mình. Từ chống đối kịch liệt chủ nghĩa thực dân ngay từ năm 1925, từ vấn đề gia nhập đảng Cộng sản hay không vào cuối những năm 1920, từ tranh đấu chống phát-xít và chống Stalin trong những năm 1930, từ kháng chiến, từ kết hợp với những người vô chính phủ trong những năm 1950, từ Tuyên ngôn 121 chữ kí (về quyền bất phục tùng của thanh niên phải tòng ngũ trong cuộc chiến Algérie) đến những biến động năm 1968, các nhóm siêu thực nối tiếp nhau đã lao mình vào hay đã phụ hoạ tất cả những tranh luận chính trị lớn của thế kỉ XX - kể cả tranh luận về dấn thân do Sartre chủ trương.

Không đả động đến khuynh hướng cách mạng của phong trào, không một lời về những dấn thân chính trị của các hoạ sĩ và các nhà thơ đã nuôi sống nó, các bảo tàng viện, các nhà sưu tập, nhà phê bình và sử gia tàn nhẫn lôi nó về những nẻo đường mòn đã phân định của một phong trào nghệ thuật đơn thuần không có hoạt động nào khác hơn là sản xuất những tác phẩm. Những tác phẩm thế là có thể nâng giá bằng những phương tiện quảng cáo và cổ vũ bây giờ là các cuộc triển lãm và các danh mục – cái đẹp mờ ám, sự hiếm hoi hứa hẹn, cái đẹp hiếm hoi, sự mờ ám hứa hẹn. Những tác phẩm hoành tráng thô bạo nhất, những hình ảnh hời hợt nhất thế là được phô trương nhất – và được đánh giá hơn hết. Không lạ gì Dali và Magritte chiếm thượng phong.

Và tất cả trở thành nghèo nàn. Những gì từng là gào thét (Buông Tình Yêu ra! Cút về chuồng, bọn chó tru của Chuá Trời!), những gì thì thầm bên tai (Dễ dàng của Eluard và Man Ray, Ngừng lại của Toyen), những gì nắm lấy tay ta (Nàng vũ nữ Tây Ban Nha của Miró, dâu của Max Ernst, Búp-bê của Bellmer), tất cả đã lặng câm. Của chủ nghĩa siêu thực, người ta chỉ còn biết trưng ra - người ta không còn biết thấy nữa sao? - những dấu vết, những di vật, như thể nhiệt tình đã tắt, như thể những từ "ước mơ " và "tự do" nhất định đã thành những từ của một tử ngữ, như thể "muốn thay đổi cuộc đời" là chuyện một không tưởng trước thời hồng thuỷ. Người ta đứng cách xa: "Chính với sự tách biệt hẳn là đầy đủ mà chúng ta trở lại với một trong những phong trào quan trọng nhất và gây nhiều tác động nhất của thế kỉ XX " như lời Werner Spies trong phần dẫn nhập cho danh mục Cuộc Cách mạng siêu thực.
Nàng vũ nữ Tây Ban Nha - Miro

                        

                     Búp bê - Bellmer


Sự tách biệt ấy phải khiến ưu tư, nó giống như đem chôn. Bởi, hoàn toàn không phải là một cách xa phê bình đơn thuần và đôi khi cần thiết, nó thực sự là chối bỏ. Dấn thân chính trị khi thì không nói đến - cuộc triển lãm Cuộc Cách mạng siêu thực – khi thì hoàn toàn bị tái diễn giải và xuyên tạc - cuốn sách Về chủ nghĩa siêu thực xét dưới các quan hệ với chủ nghĩa toàn trị và với những bàn cầu cơ của Jean Clair. Và dù là che đậy hay là bóp méo, quan hệ giữa bạo lực cách mạng và cuồng nộ thi ca như thế bị làm sai lạc. Loại hết khỏi các tác phẩm sự nổi loạn đã chứng kiến chúng ra đời hay loại hết sự nổi loạn của các tác phẩm cưu mang nó, dù trong trường hợp nào, điều đó có nghĩa phủ nhận ta có thể, đối với thế giới như nó vận hành, có nghĩa vụ khước từ hay dự phóng – chính là nghĩa vụ Breton đã gán cho tác phẩm nghệ thuật: "Tác phẩm nghệ thuật chỉ có giá trị chừng nào đi qua nơi nó những phản ánh run rẩy của tương lai " [2] .

Di sản của chủ nghĩa siêu thực, nếu như phải có di sản, chính ở trong nghĩa vụ khước từ ấy, trong sự quan tâm đặc biệt tới thế giới, trong đạo đức hoà giải hành động với ước mơ ấy, chứ không phải, một cách tầm thường, trong một công cuộc ít nhiều có tổ chức và hiệu quả sản xuất những tác phẩm đủ loại - những bài thơ "để kêu lớn giữa hoang tàn ", những bức tranh xoay, những bức tượng mềm, những vật thể khó thương, vân vân - nằm trong một phả hệ giả danh rất được các sử gia nghệ thuật và các bảo tàng ham chuộng.

Có phải cái lập trường hết mực đạo đức kia gây vướng mắc? Làm sao chuyển tải được điều ấy? Có thể chuyển tải được không? Rất có thể là không. Thi ca chẳng thể dạy, ít ra không với vài tổn hại trầm trọng – "Theo tôi nghĩ, Breton từng nói, người ta bắt đầu dạy chủ nghĩa siêu thực ở trường học đã là quá lắm rồi. Tôi dư biết người ta cốt giản lược nó " [3] . Đường chân trời gần lại - thời gian của chúng ta từ nay được tính toán, bản sắc của chúng ta khóa chặt, cõi tưởng tượng của chúng ta, giới tính của chúng ta đều hạn chế -, khi lẽ ra, trái lại, nó phải thoái lui để, sau cùng, đêm của ước mơ vượt thắng ngày.

Cái tuyệt vời chẳng thể học, nó đòi hỏi để khai nở một tự do và một cuồng nộ không ngừng đổi mới. Và nếu từ nay những từ "cách mạng" và "đấu tranh giai cấp" đã trở nên hầu như sỗ sàng để mà nói lên hoặc viết ra, thì những lời Breton đăng năm 1925 trong số 4 tạp chí Cách mạng siêu thực đưa lại những tiếng vọng lạ lùng nào : "Bao nhiêu tay chúng ta nắm chặt sợi dây lửa dọc dài ngọn núi đen cũng sẽ không thừa. Có ai nói sử dụng chúng ta, khiến chúng ta đóng góp cho tiện nghi gớm tởm của trần gian? (...) Tuy nhiên hãy minh bạch rằng chúng ta không muốn chút nào dự phần tích cực vào cuộc xâm hại người ta tiếp tục gây ra cho con người. Rằng chúng ta không có một thành kiến công dân nào. Rằng trong hiện trạng xã hội ở châu Âu, chúng ta vẫn tuân thủ nguyên tắc mọi hành động cách mạng, dù cho nó lấy đấu tranh giai cấp làm khởi điểm, miễn là nó đưa đi đủ xa ". 

Nguyễn Khánh Long dịch
© 2005 talawas


[1]Nxb Phaidon Press, London, 2004
[2]Breton, "Phỏng vấn dấu hiệu", trong Lập trường chính trị của chủ nghĩa siêu thực (1935), đăng lại trong Tác phẩm toàn bộ, nxb Gallimard, Paris, 1992, quyển II, các trang 447-448.
[3]
André Breton, Đàm thoại XVI với André Breton (1952), trong Tác phẩm toàn bộ, nxb Gallimard, Paris, 1992, quyển III, trang 571.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét