3/10/12

So sánh mỹ học hiện đại và hậu hiện đại


Theo một nghĩa rất hạn hẹp, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại gắn liền với những khuynh hướng mỹ học có tính chất đặc trưng cho thời kỳ hiện đại và thời kỳ hậu hiện đại. Chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào giai đoạn sau cùng của thời kỳ hiện đại (cuối thế kỷ thứ 19) với những đại diện tiêu biểu như: Joyce, Yeats, Gide, Proust, Rilke, Kafka, Mann, Musil, Lawrence và Faulkner (Văn Chương); Rilke, Pound, Eliot, Lorca, Valéry (Thi Ca); Strindberg, Pirandelo và Wedekind (Kịch); Matisse, Picasso, Braque, Cézanne và những trường phái Vị Lai, Biểu Hiện, Đa Đa, Siêu Thực, trong hội hoạ; Stravinsky, Schoenberg và Berg (Âm Nhạc).
Những đặc điềm mỹ học của chủ nghĩa hiện đại có thể tóm tắt như sau (2): nhấn mạnh đến sự diễn tả quá trình nhận thức xảy ra như thế nào hơn là những gì được cảm nhận, sử dụng hình thức ấn tượng và nêu bật vai trò chủ thể trong hành văn, như trường hợp lối viết của thể loại dòng ý thức (stream of consciousness) trong tác phẩm của James Joyce; loại trừ lối viết tự sự, bắt nguồn từ một ngôi thứ ba thông suốt hết mọi sự, có cảm quan cố định và một làn ranh rõ ràng về đạo đức; xoá nhoà sự tách biệt giữa các thể loại, do đó thơ đến gần với văn xuôi (trường hợp Eliot) và văn xuôi đến gần với thơ (trường hợp của Woof và Joyce); tác phẩm mỹ thuật có dạng thức phân đoạn, không liên tục và là một kết hợp ngẫu nhiên nhiều chất liệu; tác phẩm mang nhiều sắc thái nội hướng, ý thức bản ngã của tác giả, để mỗi sáng tác mang một ý nghĩa mỹ học tự thân; và sau cùng là sự chối bỏ các lý thuyết mỹ học khuôn sáo để tiến đến sự ngẫu hứng và khám phá sự sáng tạo, phủ nhận sự phân biệt các dạng thức cao thấp trong mỹ học.
Quan điểm mỹ học hậu hiện đại mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lập lại; nhấn mạnh đến phong cách trộn lẫn giữa nhân vật và sự can thiệp của chính tác giả vào tác phẩm; tính chất kết dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt, là điều khá phổ biến trong các tác phẩm hậu hiện đại.
Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có nhiều điểm tương đồng với quan niệm mỹ học hiện đại, như sự soi rọi nội tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục, tính đồng diễn… Nhưng ngược lại, thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi tâm hoá và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan tác giả; thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào một trò chơi ngoại biểu, tạo ra những đối kháng có tính chất mỉa mai và châm biếm để người đọc tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi kéo người đọc vào trò chơi đó.
Quan điểm mỹ học hiện đại vẫn còn mang nặng tính chất đại tự sự, khi nhiều công trình nghệ thuật được sáng tác để mang một thông điệp cho loài người biết rằng, nghệ thuật hiện đại có khả năng tạo ra những tác phẩm có sự đồng nhất, kết cấu chặt chẽ và mang những ý nghĩa của đời sống mà chính sự phát triển các phương tiện hiện đại đã làm chúng biến mất. Nghệ thuật hiện đại tự khoác cho nó một vai trò lịch sử to lớn để tái tạo lại những gì mà các thể chế khác của nhân loại đã bó tay. Nói chung, nền mỹ học hiện đại, giống như chủ thuyết khai sinh ra nó, vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những niềm tin vào khả năng vô hạn của con người, một khả năng dựa hẳn vào tính chất tuyệt đối của sự thật phát hiện bởi các phương tiện khoa học.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, trái lại, xem mỹ học cũng như các vật thể giả tạo khác mà hiện thực hoàn toàn bị khuất lấp sau những hiện tượng, những Simulacrum. Càng nhiều hiện tượng, “hiện thực” càng được làm đầy thêm (hyper-reality) và vai trò của nghệ thuật chỉ thuần tuý là tham gia vào trò chơi hỗn loạn giữa các vật thể giả tạo đó, và việc có tin tưởng vào hiện thực biểu hiện hay không là hoàn toàn tuỳ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người đọc, tuỳ thuộc vào nền văn hoá mà họ đang sinh hoạt và tuỳ vào khả năng phản ánh hiện thực thông qua hành động giải trình ngôn ngữ, và cứ như thế mà mỹ học hậu hiện đại cứ kéo dài sự diễn dịch ra ngoài mọi biên cương để tiến về nơi bất tận.
Nguyễn Minh Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét