Cuối đời
Nam Tống, các văn quan như Tô Thức, Mễ Phất (Mễ Phế), và Lý Công Lân đã khởi
sinh một phong cách hội họa gọi là «văn nhân hoạ» – cũng gọi «sĩ đại phu hoạ» (hội họa
của các văn nhân, sĩ đại phu) – tương phản với phong cách chính thống của viện
phái. Khi người Mông Cổ chiếm Trung Quốc, giới nho sĩ Hán tộc bị nhấn chìm dưới
đáy xã hội. Các nho sĩ văn nhân thường thành lập những hội tương tế. Trong hoàn
cảnh đó, các tác phẩm hội họa được xem là phương thức để đền ơn đáp nghĩa.
Trong hệ thống
giáo dục Lục Nghệ của Nho giáo, các nho sĩ cũng thường phải giỏi về thư pháp.
Do đó văn nhân hoạ đã phản ánh kỹ pháp của thư pháp. Theo
Triệu Mạnh Phủ – một đại thư hoạ gia đời Nguyên thuộc văn nhân hoạ phái – những
nét cứng cỏi của chữ triện hoá thân thành những cành cây, thân cây; còn tám nét
cơ bản của thư pháp (tức vĩnh
tự bát pháp: tám nét của chữvĩnh) thì hoá thân thành các lá cây như
lá lan lá trúc. Những nét bút khô mực tạo thành dáng thô nhám sần sùi, thích hợp
vẽ đá. Người thưởng ngoạn sành điệu có thể nhận ra kỹ pháp của thư gia trong cách
vận bút của hoạ gia.
Các
hoạ gia thuộc văn nhân hoạ phái chuộng tranh đơn sắc, thường là màu mực đen với
những mức độ đậm nhạt của mực. Những tranh vẽ tứ quân tử (mai, lan, cúc, trúc)
chỉ bằng mực đen do đó được gọi tương ứng là «mặc mai, mặc lan, mặc cúc, mặc
trúc». Tứ đại hoạ gia cuối đời Nguyên (gọi là Nguyên tứ gia: Hoàng Công Vọng,
Nghê Tán, Vương Mông, và Ngô Trấn) đã phát triển cao độ nghệ thuật tranh sơn thủy
theo phong cách văn nhân hoạ. Nghê Tán (1301-1374) là một trường hợp đặc biệt.
Ông quê ở Vô Tích, gần Đại Vận Hà và Thái Hồ. Ông làu thông kinh điển nho gia
và khổ công nghiên tập hội hoạ từ tranh của các hoạ gia tiền bối trong các bộ
sưu tập của bạn bè khá giả của ông. Mùa xuân 1352, trong bầu không khí chính trị,
kinh tế, và xã hội bất ổn của triều đại Nguyên đang sụp đổ, ông buộc phải rời
quê hương, rồi sống trên một chiếc ghe lênh đênh 20 năm trên Thái Hồ. Cuộc sống
phiêu bạt ẩn dật như một đạo sĩ đó là cách mà ông chọn để bảo vệ tiết tháo và
tránh sự bức hại của quan quân triều Nguyên. Các hoạ gia đời Minh và Thanh hâm
mộ và khen ngợi ông là «Nghê cao sĩ». Ông dụng bút công phu tinh tế mà tranh
toát vẻ giản phác tiêu sơ, chủ yếu là tả cảnh Thái Hồ. Hoạ pháp sơn thủy của
Nguyên tứ gia ảnh hưởng rất lớn đến các họa gia thuộc văn nhân phái đời Minh
(như Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương) và đời Thanh (như Tứ Vương: Vương
Thời Mẫn, Vương Giám, Vương Huy, và Vương Nguyên Kỳ).
Lê Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét