Cuối đời
Đường và suốt giai đoạn Ngũ Đại và Thập Quốc phân rã ly loạn trên 50 năm,
những truyền thống hội họa cung đình (tạo thành Viện phái) đã được
bảo tồn tốt nhất tại Nam Kinh và Tứ Xuyên với các hoạ gia chuyên về hoa điểu
và sơn thủy. Sự đỉnh thịnh của tranh hoa điểu trong thời này đã được
ghi nhận trong hai tác phẩm đời Tống là Mộng Khê Bút Đàm của
Thẩm Quát (1086-1093) và Đồ Hoạ Kiến Văn Chí của
Quách Nhược Hư (sống cuối thế kỷ XI).
Tác
phẩm Đường Triều Danh Hoạ Lục cho biết đời Đường có
trên 20 hoạ gia chuyên về hoa điểu, mà người nổi bật nhất là Biên Loan. Cuối đời Đường
có hai hoạ gia về hoa điểu trứ danh là Điêu Quang Dẫn và Đằng
Xương Hựu. Điêu Quang Dẫn là thầy của Hoàng Thuyên. Trong cục diện thập quốc
phân loạn, Hoàng Thuyên (903-968) và Từ Hi (mất khoảng 975) trở thành hai cao
thủ về tranh hoa điểu với hai trường phái trái ngược mà người đời gọi
là «Từ Hoàng nhị thể» (hai phong cách của Từ Hi và Hoàng
Thuyên). Hoàng Thuyên là hoạ gia cung đình (tức viện phái) còn Từ Hi là hoạ
gia thôn dã bố y ở Giang Nam. Quách Nhược Hư nói: «Hoàng gia phú quý, Từ Hi dã
dật.» Ý nói tranh hoa điểu của Hoàng Thuyên toát vẻ sang trọng, tranh Từ
Hi chuộng vẻ mộc mạc bình dị. Về kỹ pháp, Hoàng Thuyên chuyên về tả
chân (tả sinh) hay công bút còn Từ Hi chuyên về tả
ý hay ý bút.
Với công
bút, tranh phải giống y như thực. Tác giả trước tiên phải dựng hình bằng những đường nét tinh tế (gọi là câu lặc) làm đường viền của đối tượng (hoa, lá, cành, chim, đá, v.v...) sau đó mới tô màu lên. Trái lại, ý bút là
kỹ pháp phóng khoáng, đối tượng được thể hiện một cách tượng trưng,
thí dụ một nhánh cây hay một chiếc lá lan lá trúc chỉ vẽ bằng một nét bút lướtđi.
Suốt nửa đầu thế kỷ X, tranh sơn thủy
có chuyển biến sâu sắc. Nổi bật về sơn thủy có hoạ gia Quách Hi (1000-1090).
Vua Tống Huy Tông (cai trị 1101-1125) là một nhà bảo trợ lớn cho các hoạ gia. Bản
thân nhà vua cũng là một thư hoạ gia nổi tiếng. Tranh hoa điểu đời này cũng noi
theo phong cách của Hoàng Thuyên và Từ Hi đời trước. Hoàng Cư Thái (con của Hoàng
Thuyên) rất được vua sủng ái và được mời vào Hàn Lâm Hoạ Viện và do đó phong
cách tả thực (công bút) chiếm ảnh hưởng độc tôn trong viện phái (hoạ
phái của cung đình).
Tuy
nhiên trong các đời vua Tống sau đó, con cháu của Từ Hi (như Sùng Tự,
Sùng Huân, Sùng Củ) cũng được vua sủng ái. Vì thế phong cách của viện phái
là sự dung hợp của tả thực và tả ý. Các hoạ gia tiêu biểu là Thôi Bạch, Thôi Cốc,
Ngô Nguyên Dũ, Triệu Xương, Dịch Nguyên Cát. Đời Nam Tống, Hàn Lâm Hoạ Viện
có các hoạ gia danh tiếng như Lý An Trung, Lý Địch, Lâm Thung.
Hội
hoạ đời Nguyên không có gì đặc sắc, chẳng qua là mô phỏng đời Tống.
Trong đời Minh, triều đình cũng bảo trợ các hoạ gia. Thời này nổi bật
ba hoạ phái: Viện phái (của triều đình), Chiết phái, và Ngô phái. Đại
biểu của Viện phái là Đường Dần, Cừu Anh, Chu Thần. Chiết phái gồm các hoạ
gia quê Chiết Giang như Ngô Vĩ, Trương Lộ, Tưởng Tam Tùng, Tạ Thời Thần, v.v...
Ngô phái tiêu biểu là Thẩm Chu, Văn Trưng Minh, Đổng Kỳ Xương, Vương Phất,
v.v... Khi đời Thanh đạt đỉnh thịnh dưới triều vua Càn Long,
phong cách Viện phái càng trau chuốt tỉ mỉ do ảnh hưởng thị hiếu của nhà vua và
ảnh hưởng phong cách của các giáo sĩ Tây phương kiêm hoạ sĩ, thí dụ như
Giuseppe Castiglione (1688-1768).
Lê Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét