2/10/12

Sơ lược về sumi-e


Sumi-e hay tranh vẽ bằng mực tàu là một cái tên khác cho dòng tranh thuỷ mặc suibokuga du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 14. Không cầu kỳ về chi tiết, cũng không rực rỡ sắc màu, nhưng mỗi bức tranh đều nổi bật lên vì chính vẻ đẹp giản dị của nó. Chỉ với một vài nét bút đậm nhạt, một vài chấm đen điểm xuyết qua, nhưng những gì lưu lại trên trang giấy là cả một tác phẩm nghệ thuật thực sự.

Dòng tranh cổ điển này có gốc gác gắn liền với Thiền tông, những hoạ sĩ đầu tiên của sumi-e ban đầu là những thiền sư. Vì lẽ đó, sumi-e không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật mà nó còn mang đậm màu sắc triết học, tôn giáo.

Triết lý chính trong sumi-e là sự đối lập và tĩnh tại, thể hiện qua vẻ đẹp giản đơn nhưng duyên dáng. Bức tranh chỉ có duy nhất hai màu đen trắng, nhưng nhìn vào đó người ta có thể cảm nhận được sự đối lập Âm-Dương, sự dung hoà giữa ánh sáng và bóng tối, động và tĩnh,... Lúc đậm lúc nhạt, lúc nhanh lúc chậm, từng nét bút lướt qua  trang giấy ẩn chứa trong nó sức sống của thiên nhiên. Mục đích của sumi-ekhông phải là mô phỏng lại sự vật một cách chính xác đến từng chi tiết  mà nó hướng đến cái thần của sự vật đó. Người hoạ sĩ không chỉ quan sát bên ngoài mà phải đi sâu vào nắm bắt thần thái của đối tượng, phải làm sao để đưa vào tranh cả linh hồn của sự vật đó. Trong từng đường nét của sumi-e là sự cân bằng, sự đồng điệu của tâm hồn người cầm bút với cảnh sắc được miêu tả trong tranh.

Không giống như các phong cách hội hoạ khác, trong sumi-e, giai đoạn trước khi đặt bút xuống vẽ là thời khắc quan trọng nhất. Một khi đầu bút lông chạm vào trang giấy, người hoạ sĩ chỉ có một cơ hội để thể hiện hết những ý tưởng của mình. Cầm suiteki lên, nhỏ một vài giọt nước vào suzuri, và mọi thứ chìm vào một không gian riêng của Zen. Tư tưởng của con người hoà lẫn vào nghiên mực. Nếu như trong shodou, mài mực chỉ là một công đoạn bắt buộc không thể thiếu thì với sumi-e nó trở thành một nghệ thuật. Từng động tác được diễn ra chậm rãi theo một nhịp điệu đều đều bí ẩn như một nghi lễ tôn giáo, và chỉ dừng lại khi người nghệ sĩ cảm nhận được thời khắc quyết định đã đến.

Một trong những vẻ đẹp đặc trưng nhất trong sumi-e là sự dịch chuyển của màu sắc giữa trắng và đen. Chỉ với một thỏi mực tàu nhưng trên bức tranh người ta vẫn cảm nhận được các sắc thái màu sắc uyển chuyển từ một màu đen nhánh cho đến ghi, xám nhạt và màu trắng tinh khôi. Nó đòi hỏi sự chính xác đầy nghệ thuật trong từng công đoạn từ mài mực, thấm mực cho đến khi đặt những nét bút đầu tiên. Trong đó, có thể nói việc thấm mực vào bút lông là quan trọng nhất. Người hoạ sĩ phải cân bằng mọi sắc độ từ màu xám nhạt nhất cho đến màu đen tuyền trên ngòi bút trước khi đặt bút lên trang giấy. Độ ẩm của ngòi, độ đậm của mực,... tất cả chỉ có thể được định đoạt dựa vào kinh nghiệm và cảm nhận riêng của người nghệ sĩ.

Chủ đề của tranh sumi-e truyền thống mang đậm ảnh hưởng phong cách Trung Hoa, với ba chủ đề chính là tranh phong cảnh (sansui-ga), chim và hoa (kacho-ga), và tranh vẽ người (jimbutsu-ga).

Đến thế kỷ 19, các hoạ sĩ như Maruyama Okyo và Katsushika Hokusai giới thiệu một phong cách mới cho sansui-ga truyền thống là fukei-ga, tranh tả thực. Tiếp thu những tinh hoa của tranh truyền thống, tranh hiện đại bắt đầu chú ý đến đường nét và tỷ lệ, không chỉ hoàn toàn là những nét cách điệu như trước nữa. Dòng tranh hiện đại cũng không còn giới hạn trong gam màu đen trắng mà đã sử dụng nhiều màu sắc khác, tuy vậy hai màu đen trắng cổ điển vẫn được cho là thích hợp nhất với sumi-e.

(sưu tầm)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét