21/9/12

Âm nhạc của thiền


Nhạc và họa vồn gần gũi với nhau bởi chúng có nhiều điểm chung về cách bố cục tác phẩm như nhịp điệu, tỷ lệ, tone, tương phản, chuyển hóa... Vì thế, tìm hiểu những bản nhạc của một nhạc sĩ chịu ảnh hưởng lớn của Thiền như John Cage ít nhiều giúp ta có cái nhìn rộng hơn đối với hội họa. 


John Cage (1912-1992) là nhạc sĩ tiên phong của thế kỉ XX, người đã làm thay đổi mạnh mẽ nền âm nhạc thế giới với những triết lí hoàn toàn mới về âm nhạc. Những năm 1930 ông theo học các bậc thầy đổi mới đương thời như Henry Cowell và Arnold Schoenberg (người sáng tạo ra nguyên tắc 12 âm). Trong thời gian này ông chịu ảnh hưởng nhiều của các người thầy và đã viết một số tác phẩm theo nguyên tắc 12 âm như 6 Invention ngắn (1933), tác phẩm cho 3 giọng (1934), âm nhạc cho các nhạc cụ hơi (1938) và Metamorphosis (1938). Nhưng cái thực sự ảnh hưởng tới John Cage để ông có một vị trí đặc biệt trong lịch sử âm nhạc thế giới là những nghiên cứu của ông về Phật giáo thiền tông vào cuối những năm 1940. Ngay sau đó, bắt đầu những năm 1950, John Cage đã đưa âm nhạc đến một vùng đất mới lạ, đầy sức sống. Theo tôi, ảnh hưởng của thiền luận tới tư tưởng âm nhạc của John Cage thể hiện ở bốn điểm như sau:


Thứ nhất, phải diệt bỏ cái tham vọng yêu âm nhạc, muốn nắm bắt bản chất âm nhạc và các qui luật cấu âm. Cage cho rằng: "Âm nhạc làm cho tâm trí chính mình được an tịnh, khiến nó dễ dàng đón nhận những ảnh hưởng thánh thiện." Để thực hiện thứ âm nhạc có khả năng dẫn đến một trạng thái tâm trí như thế, thì hiển nhiên rằng cái ý tưởng lãng mạn về sự tự diễn đạt phải bị vượt bỏ, và rằng âm nhạc phải hoà nhập chính nó vào môi trường mà trong đó nó hiện hữu. Điều này đưa đến hệ quả là Cage đã đem sự ngẫu nhiên vào công việc sáng tác và trình diễn âm nhạc. Trong tác phẩm Imaginary Landscapes No4 (1951), Cage sử dụng 12 đài phát thanh để thực hiện. Mỗi một đài do 2 người thể hiện. Người ta thao tác các nút bấm để tạo ra sự thay đổi ở mỗi một đài phát thanh và có một triết áp khác để kiểm tra chung tất cả các đài. Các nốt nhạc đã được viết chính xác nhưng âm thanh đài phát ra sẽ biến đổi rất nhiều trong không gian. Âm nhạc, tự nó trôi nổi, nằm ngoài ý muốn của nhạc sĩ và nhạc công.

Thứ hai, không phân biệt âm nhạc và tiếng ồn. Với âm nhạc, không có bất cứ sự kì thị hay phân biệt nào hết. John Cage đã đưa ra một định nghĩa mới về âm thanh và quan điểm thẩm mỹ: “Âm thanh ở đây được hiểu theo một nghĩ rất rộng. Nó bao gồm tất cả các loại tiếng ồn, và hoà âm của tác phẩm chính là sự kết hợp các loại tiếng ồn đó.” Mùa hè 1952, tại Black Mountain College, Cage đã làm được một thành tựu vượt trước mọi người hàng chục năm. Ông đã viết tác phẩm “Hoà tấu của hành động”, trong đó là sự kết hợp phức tạp giữa piano, máy hát, thơ, nói, nhảy, phim và ánh sáng. Một tác phẩm nũă cũng rất hấp dẫn đó là “âm nhạc của nước” (1952) viết cho piano mà ở đó piano phải làm ra tiếng nước. Nó được chơi cùng tiếng huýt sáo gió dưới nước, đài phát thanh và những quân bài cùng rất nhiều đôi mắt.

Thứ ba, âm nhạc không gửi gắm cái bản ngã của nhạc sĩ hay nhạc công. 
Trong buổi biểu diễn mang tên 12.55.6078 Cage nói: “Sự sáng tạo âm nhạc độc lập với tất cả các sở thích cá nhân, với những hiểu biết về ngôn ngữ âm nhạc và với quan niệm truyền thống về văn hoá.” Thay vì cố gắng diễn tả “chính mình”, ông đã giới thiệu một môi trường âm nhạc mở rộng, trong đó thính giả không còn bị những ý đồ của tác giả và nghệ sĩ làm ngập ngụa đầu óc, nên có thể tìm thấy cái tâm điểm của mình. Những âm thanh đã trở thành chính bản thân của chúng, và không còn giữ vai trò minh hoạ cho những hiện tượng ngoại-âm-nhạc.

Thứ tư, không còn âm thanh. Nổi bật nhất quan điểm này là tác phẩm Composition entilted 4’33 (1952). đây là một tác phẩm có thể chơi bằng bất cứ loại nhạc cụ nào hoặc bằng một cái gì đó tương đương như nhạc cụ. Tổng phổ hoàn toàn là sự im lặng. Nó không hề có một nốt nhạc nào cả. Người biểu diễn ngồi im lặng trên sân khấu trong suốt thời gian của tác phẩm (4 phút 33 giây). Kết quả cuối cùng chính là âm thanh của tiếng máy điều hoà không khí của phòng hoà nhạc, tiếng ồn do người nghe mang tới, thí dụ như tiếng ho, tiếng cười và những âm thanh từ bên ngoài phòng hoà nhạc mang lại. Ông đã dẫn giải tác phẩm của mình bằng chính định nghĩa về âm thanh mà ông đưa ra.

Tại sao trong kịch nô đôi khi xuất hiện những khoảng lặng làm người xem không chuyên sẽ liên tưởng như một đoạn kết thúc một màn opera ở châu Âu? Tại sao khi một tăng sĩ tụng kinh, sau khi gõ một đoạn dài tiếng mõ và một tiếng chuông là một khoảng khắc ngưng nghỉ? Tại sao trong các bản nhạc cổ cầm thường hay xuất hiện mô típ khoảng im lặng ngắn sau khi xuất hiện âm kép trầm và bổng? Cái thời điểm không âm thanh đó ý nghĩa gì?
Đó là: nếu không có im lặng thì sẽ không có âm thanh, và ngược lại, nếu không có âm thanh sẽ không có im lặng. Âm thanh chỉ được hiểu nếu có khoảng lặng. Khác với phương Tây, âm nhạc cổ điển phương Đông rất chú trọng đến sự hài hòa giữa âm thanh và khoảng lặng, như thể hai thành phần không thể tách rời nhau được. Tạo một tác phẩm âm nhạc tức là phải sáng tác trên cả hai thành tố: hiện hữu và vắng mặt.
Hệ thống âm nhạc cổ điển của phương Tây được tạo ra trên nghiên cứu về những âm thanh hiện hữu, về cấu trúc và sự hài hòa thính giác. Âm nhạc của John Cage đặt vấn đề ngược lại khi tìm sự biểu hiện trong cái phi âm thanh, phi cấu trúc, phi hài hài hòa. Với cái nhìn từ deconstruction thì có thể giải thích là: nhạc sĩ trước đây bị logos lừa dối, luôn hướng tới cái hiện hữu (âm thanh) mà không biết đến cái phi hiện hữu (im lặng). Sự ra đời âm nhạc của John Cage chính là phá bỏ cái metaphysic of presence bằng metaphysic of absence. Nhưng nói theo một chiều khác, Cage đã hướng tới cái phi logos, phi hiện hữu, phi âm thanh…và rốt cục, đó cũng là hướng tới, cũng là một dạng khác của logos.
Thực ra, Cage đã đi theo một hướng khác, đến một vùng đất mà lí thuyết của Derrida chưa bước tới. Đó là Thiền luận. Ở đó, âm nhạc thoát ra khỏi khái niệm chính nó, khái niệm “âm nhạc”. Ở đó không còn chấp vào “âm thanh” hay “im lặng”, “ngôn” hay “vô ngôn”, “hiện hữu” hay “vô hình”. Khi đó, các rào cản khái niệm không còn ý nghĩa gì nữa, và ta trở lại với “âm nhạc” bằng sự giải thoát. Và sau sự giải thoát khái niệm, âm nhạc lại chính là “âm nhạc”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét