Nguồn Tạp chí Mỹ thuật - Huệ Viên
Đạo Đức Kinh, chương 11 viết
rằng:
“Ba mươi
nan hoa cùng quy vào một cái trục, nhưng chính nhờ khoảng trống trong cái trục
mà xe mới dùng được. Nặn đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống ở
trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống
không đó mà nhà mới dùng được. Vậy ta tưởng cái có (trục xe, chén, nhà)
có lợi cho ta, mà thực ra cái không (khoảng rỗng) mới làm cho cái có
hữu dụng. ”
Quan điểm nhấn mạnh cái không
trong cặp tương quan có- không
(hoặc cái vô trong cặp hữu- vô,
hoặc khoảng
rỗng trong cặp khối đặc- khoảng rỗng) trong Đạo Đức Kinh đã gợi ý
cho chúng tôi một cách nhìn thú vị về nghệ thuật điêu khắc. Đó là sự tạo hình từ
những khoảng rỗng.
Xét về mối tương quan đặc- rỗng thì lịch sử điêu khắc là lịch
sử của việc tạo hình trên khối đặc. Từ thời Ai Cập, Hy Lạp, Lưỡng Hà, La Mã cổ
đại cho tới thế kỷ XX, điêu khắc đều chú ý đến tỷ lệ, sự hài hòa, cảm xúc nhân
vật trên những mảng khối cơ thể lồi ra. Các nhà điêu khắc say sưa với cơ bắp,
đường gân, nét mặt... nhưng tất cả đều được tạc trên khối đặc. Liệu có thể có
điêu khắc được tạo hình trên khoảng rỗng?
Những ý nghĩa thể hiện
trên khối đặc hiển hiện ra trước mặt chúng ta bởi những đường nét, những góc cạnh,
những mảng khối, những bố cục. Đó là cái đau đớn của Laocoon, cái mạnh mẽ hiên
ngang của David, cái trầm ngâm suy tư của Người suy nghĩ... Nhưng những ý nghĩa
của khoảng trống thì không thể nào thể hiện được. Không một đường nét nào có thể
khắc ghi được trên khối rỗng. Không một chất liệu nào có thể mô tả được khoảng
trống dù cho nghệ sĩ sử dụng các chất liệu như nước, thủy tinh, ánh sáng. Chúng
ta nhìn thấy những đường nét, mảng, khối của một tác phẩm điêu khắc là chúng ta
chỉ nhìn thấy cái hiện hữu (khối đặc) của tác phẩm, còn cái vắng mặt (khoảng rỗng)
thì không thể nhìn thấy. Chúng ta chỉ có thể tưởng tượng mà thôi.
Thế nhưng, cái vô hình của
khoảng rỗng lại ẩn chứa những giá trị sâu thẳm và siêu việt, linh thiêng và bất
tử. Điều này được thể hiện rất rõ qua kiến trúc và điêu khắc của những đài tưởng
niệm mà chúng tôi giới thiệu sau đây:
Đài tưởng niệm 11/9 ở New York
Công trình là hai hồ nước nhân tạo rộng, nằm dưới mặt sàn
hai tòa tháp 110 tầng đã bị đánh sập ngày 11/09/2001. Những thác nước bao quanh
hồ, kết hợp với không gian lịch sử rợp bóng cây sồi đã khiến không chỉ gia đình
các nạn nhân, những người sống sót sau vụ khủng bố, mà cả các du khách lần đầu
tới tham quan phải bồi hồi, xúc động. Các thác nước khổng lồ được bao quanh bởi
lan can bằng đồng, trên đó có khắc tên những người đã mất. Có 2.983 cái tên được
khắc trên 16 tấm bảng đồng. Ý tưởng dùng khoảng trống của chính hố móng
hai tòa tháp cũ làm đài tưởng niệm rất độc đáo và cho chúng ta thấy tư duy thiết
kế tượng đài của người Mỹ ở mức khá cao. Đó là, kỷ niệm nỗi đau thì không phải
để ngước lên nhìn mà là để cúi xuống hồi tưởng và cảm nhận cho riêng mình; cảm
giác trống rỗng và mất mát không phải gửi gắm ở những hình thể mạnh mẽ vươn lên
mặt đất mà phải hòa tan vào khoảng không của trời đất và khoảng trống của công
trình. Những cái nhìn vào khoảng trống mang đến cho mỗi người sự hoài niệm và sự
chia sẻ nỗi buồn trong tâm khảm.
Đài tưởng niệm 11/9 ở New Jersey
Thoạt nhìn, tác phẩm điêu khắc mang tên “Giọt lệ” này là
một khối đặc vươn lên từ mặt đất. Nhưng nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy khoảng rỗng vỡ
nứt nham nhở mới là điểm nhấn của tác phẩm. Nhà điêu khắc người Nga Tsereteli đã
tạo ra sự tương phản rất mạnh giữa khối đặc với khoảng rỗng, giữa bề mặt thô
ráp của viền khoảng rỗng với bề mặt trơn tru của giọt lệ. Rõ ràng, khoảng không
của trời đất làm nổi bật hình thể của tượng đài, khoảng rỗng của vết nứt làm nổi
bật vẻ đẹp của giọt lệ. Ngược lại, các mảng đặc vuông vắn của khối đồng bao
ngoài và khối cong của giọt lệ cũng đồng thời tôn vinh sự vỡ vụn đổ nát của khoảng
rỗng, cũng chính là nơi hàm chứa nỗi đau và sự tàn khốc của sự kiện 11/9.
Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc Sơn ở Hà Nội
Kiến trúc sư Lê Hiệp đã sử dụng “khối âm”, một cách gọi của
ông về cách tạo hình từ khoảng rỗng. Đó là cách tác giả khoét khối hộp xiên
chéo vào trong tạo thành hình mái chùa. Hình thể mái chùa bị lõm vào cũng như
khoảng trống bên trong khối hộp đã tạo ra cảm giác trầm lắng, trường cửu của thế
giới bên kia – thế giới của phi vật chất, của khoảng không, của những linh hồn
bất tử. Nhớ lại khi chấm giải cho các phương án dự thi Đài tưởng niệm liệt sĩ Bắc
Sơn, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên quyết bảo vệ phương án của Lê Hiệp trước
sức ép của nhiều người khác. Cái tầm nhìn và cái tâm của một nhà lãnh đạo đối với
nghệ thuật nước nhà như thế thật hiếm có và đáng quý. Có lẽ ông đã cảm nhận sâu
sắc sự đau thương và bất diệt ở khoảng rỗng của tác phẩm này.
Như vậy, yếu tố rỗng có ý nghĩa gần gũi với các khái
niệm vô,
âm, không, còn yếu tố đặc lại liên quan nhiều với các khái
niệm hữu,
dương, có. Vì vậy, các khối đặc mang lại cảm giác hiện hữu, vật chất, mạnh
mẽ, rõ ràng, có thể hủy hoại… còn các khoảng rỗng mang lại cảm giác vắng mặt, lẩn
khuất, lặng lẽ, chia sẻ, sâu kín, trường tồn… Từ đó, các nhà điêu khắc và các
kiến trúc sư sẽ quyết định nên sử dụng chủ yếu rỗng hay đặc
cho các tác phẩm của mình để đạt được ý nghĩa tác phẩm mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét